Với mong muốn làm mới phương pháp tiếp cận với kiến thức môn Lịch sử, các học sinh khối THPT của The Dewey Schools đã triển khai ý tưởng tái hiện câu chuyện “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân” dưới hình thức kịch sân khấu.
Câu chuyện lịch sử này đã được nhóm dự án chuyển thể thành vở kịch “Đinh Bộ Lĩnh - Anh hùng cờ lau”, trình diễn tối 19/1 sau 3 tháng lên ý tưởng và chuẩn bị. Vở kịch có nội dung xoay quanh Đinh Bộ Lĩnh - người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân và trở thành vị vua đầu tiên thống nhất đất nước sau 1000 năm Bắc thuộc, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, Ninh Bình.
Đây là dự án học tập liên môn được lên ý tưởng và triển khai thực hiện bởi các học sinh khối THPT.
Điểm nhấn đặc biệt là kịch bản được chuyển thể và biểu diễn bằng tiếng Anh. Dự án là sự kết hợp của nhiều môn học như văn, sử, địa, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thị giác, nhân văn học (humanities), công nghệ thông tin (IT), sáng chế (MDE)...
Các em học sinh mong muốn qua đó, góp phần mang sử Việt đến gần hơn với cộng đồng quốc tế tại trường, là các học sinh, phụ huynh và giáo viên đến từ 13 quốc gia trên thế giới. Qua vở kịch cho thấy sự hiệu quả khi áp dụng những sáng tạo đổi mới vào học tập, đặc biệt là với Lịch sử - một môn học có vẻ khô khan đối với nhiều học sinh.
Với việc trực tiếp hoá thân thành các nhân vật trong sự kiện lịch sử hay tham gia xây dựng kịch bản, biên dịch nội dung sang tiếng Anh…, các học sinh đã biến những kiến thức lịch sử vốn khô khan trong sách trở nên trực quan, sinh động, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, phương pháp học tập này còn truyền cảm hứng và tạo động lực để các em chủ động tìm tòi, khám phá, mở rộng vốn kiến thức môn Lịch sử nói riêng và các môn học nói chung.
Dự án kịch còn là cơ hội để các học sinh được trải nghiệm nhiều công việc, ngành nghề khác nhau như: đạo diễn, biên kịch, diễn viên, tạo dựng bối cảnh sân khấu, âm thanh - ánh sáng, truyền thông - đối ngoại, biên phiên dịch.
Ngoài ra, các em cũng được rèn luyện những kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, lên kế hoạch, thuyết trình, phản biện, rèn luyện sự tự tin, kiên trì bám đuổi mục tiêu, chủ động với các nhiệm vụ và sáng tạo linh hoạt trong các tình huống phát sinh.
Tuy dự án chỉ là một sự kiện cấp trường nhưng các học sinh cho hay, quá trình trình làm việc đã có thêm nhiều trải nghiệm quý giá về các công việc, nghề nghiệp.
Minh Thư (học sinh khối 11) chia sẻ: “Lúc chưa bắt tay vào làm dự án, em nghĩ mình có thể hoàn thành nhanh chóng công việc biên dịch với vốn tiếng Anh của mình. Nhưng thực tế, để chuyển thể kịch lịch sử từ tiếng Việt sang tiếng Anh khó hơn em tưởng tượng rất nhiều.
Trong quá trình làm, em gặp rất nhiều từ khó, từ cổ, từ Hán Việt… Chúng em đã phải dành thời gian nghiên cứu cùng lúc nhiều nguồn tài liệu, trao đổi với các thầy cô cả về kiến thức lịch sử lẫn ngôn ngữ để có thể truyền tải được sát ý nghĩa nhất với kịch bản tiếng Việt”.
Cô Diệu Anh, giáo viên Nghệ thuật trình diễn - người đã đồng hành và hỗ trợ các học sinh từ khi dự án mới hình thành và là cố vấn chuyên môn cho hay, hình thức vở kịch là chuyển thể biểu diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng là một thử thách đối với các bạn trẻ bởi có rất nhiều từ khó…
Thầy Dương Hồng Phúc, Giám đốc chương trình tiếng Việt khối THCS - THPT của nhà trường cho biết: “Thông qua dự án này, các em sẽ có được những trải nghiệm trực tiếp để từ đó rút ra cho mình những bài học giá trị mà không giáo trình nào có thể mang lại được”.