Cuối lớp 12 - giai đoạn ôn thi quan trọng nhưng Nam (18 tuổi) lại không thể tập trung vào việc học. Trước đây, em là học sinh khá, giỏi tuy nhiên từ lớp 11, Nam có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, không tập trung vào việc học. Trên tay, chân em có nhiều vết bầm tím do tự làm đau mình. 

Nam luôn cảm thấy mình áp lực vì không biết học nhiều để làm gì. Chính vì suy nghĩ này, bệnh nhân giảm hứng thú trong việc học, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì. 

Cùng với áp lực từ sự giáo huấn, kỳ vọng của bố mẹ khiến em xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối bằng những có những trò nghịch, trêu bạn bè thái quá… Những lúc căng thẳng, bệnh nhân đã tự cấu véo, làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu. Nam đã phải đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị. 

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Nam là một điển hình của tình trạng trẻ mắc stress, trầm cảm trong mùa thi. 

TS.BS Dương Minh Tâm

TS.BS Dương Minh Tâm cho biết, stress là tình trạng đáp ứng về mặt cơ thể (tăng hưng phấn thần kinh tự trị) hoặc tâm lý (cảm giác khó chịu, căng thẳng, mất kiểm soát) đối với các yếu tố làm rối loạn sự cân bằng của cá thể và vượt qua khả năng thích nghi của cá thể.

Cũng theo TS.BS Tâm, năm 2019 -2020, họ đã tiến hành 1 khảo sát, nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi trong vòng 6 tháng. 

Kết quả cho thấy, 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (nguyên nhân do áp lực học tập chiếm 20%, áp lực gia đình 20,5%, áp lực từ quan hệ bạn trong trường 8,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17 phù hợp với tuổi ôn thi chuyển cấp.

Đặc biệt, TS.BS Tâm nhấn mạnh, stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng nhận thấy, số học sinh từ trường chuyên, lớp chọn đến khám do stress, căng thẳng nhiều hơn các học sinh ở trường bìnhh thường. Bác sĩ cũng tiếp nhận, thăm khám nhiều học sinh trường chuyên rạch chân, tay bằng dao lam, vật nhọn… do áp lực, stress.

Nguyên nhân được các bác sĩ thông tin, quá trình phỏng vấn cho thấy, trẻ ngoan, học lực khá thường nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn mải chơi, nhất là những áp lực vô hình khó giải thích. 

“Áp lực vô hình là khi trẻ cảm nhận được mong muốn, hi vọng của bố mẹ, thầy cô, mong ước của người khác. Từ đó trẻ áp đặt lên cho bản thân mình. Điều này liên quan văn hóa của người Việt. Ví dụ khi có con trai, bố mẹ thường khoác nhiều trách nhiệm như nối dõi tông đường, trụ cột gia đình… trẻ càng cảm nhận được áp lực, stress càng nhiều hơn”, TS.BS Tâm nhấn mạnh.

Đa phần học sinh, sinh viên đều chịu những áp lực, căng thẳng ở các mức độ khác nhau trong giai đoạn chuẩn bị thi, giai đoạn thi và sau khi thi.

Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra các áp lực trẻ phải đối mặt khiến trẻ stress mùa thi.

Cụ thể là áp lực học và thi (trước và trong quá trình thi) do chương trình học khó, quá nhiều thứ phải học. Học sinh thường gặp một số sai lầm như càng gần đến giai đoạn “nước rút” càng học nhiều. Sự vắt kiệt sức, cố gắng nhồi nhét gây căng thẳng quá mức và sĩ tử không tiếp thu thêm được. Áp lực sau thi thường liên quan đến kết quả thi.

Trẻ gặp áp lực ở trường có thể do từ mối quan hệ bạn bè phức tạp, ganh tỵ và mân thuẫn. Từ đây dẫn đến nguy cơ trẻ lạm dụng chất kích thích để giải quyết vấn đề. 

Áp lực từ gia đình có thể do sự thiếu quan tâm của cha mẹ, người thân. Bác sĩ dẫn chứng, có bố mẹ đưa con đi khám muộn. Kết quả con có vấn đề từ 3, 5 năm trước nhưng bố mẹ không phát hiện ra. Tại phòng khám, phụ huynh bật khóc, áy náy vì đã không quan tâm đến con. Ngược lại, sự quan tâm quá mức, kỳ vọng quá lớn cũng là áp lực vô hình đè nặng lên vai sĩ tử. 

“Hầu hết mọi người đều tin rằng phản ứng stress có hại, là điều nên tránh bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, một số stress trải qua hàng ngày thực sự tốt cho chúng ta và tránh nó có thể có hại. Đó là thử thách giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện và trưởng thành hơn”, TS.BS Tâm nói.

́Cũng theo TS.BS Tâm, nếu cố gắng tránh các stress hoặc mong đợi người khác giải quyết vấn đề, bạn không học được các kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức hàng ngày trong cuộc sống. Theo thời gian, những điều này có thể khiến bạn cảm thấy bất lực và thường xuyên “căng thẳng” vì vậy cần có kĩ năng để ứng phó với stress.

Từ đó, bác sĩ đưa ra nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress:

Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức để trẻ vượt qua, thích ứng với stress

Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an.

Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…

Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý.

Ứng phó stress ở thanh thiếu niên

Giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chuyên gia khuyên, trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng/đêm. Thanh thiếu niên cần 8 đến 10 giờ/đêm. Giấc ngủ cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng.

Tập luyện: Hoạt động thể chất là liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

Tâm sự: Trò chuyện về những tình huống căng thẳng với người lớn đáng tin cậy có thể giúp trẻ, thanh thiếu niên nhìn nhận mọi thứ và tìm ra giải pháp. Đây là một trong những phương thức tốt nhất giúp trẻ nhận thức ra vấn đề của mình

Dành thời gian cho niềm vui và yên tĩnh: Cũng giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên cần thời gian để làm những gì mang lại niềm vui cho họ, cho dù đó là thời gian không có cấu trúc để chơi với những viên gạch xây dựng hay những giờ liên tục để luyện tập âm nhạc hoặc nghệ thuật. 

Hoạt động ngoài trời: Dành thời gian trong thiên nhiên là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Viết về stress: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thể hiện bản thân bằng văn bản có thể giúp giảm bớt sự đau khổ về tinh thần và cải thiện sức khỏe.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Ngọc Trang