Sau 3 tháng chuẩn bị, Trại sáng tác có tên “Camp Lumina” chính thức được tổ chức vào ngày 8-9/6/2024 với sự tham gia của hơn 70 bạn trẻ đến từ khắp các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hoá, Phú Thọ, Hải Dương và một số du học sinh đến từ Mỹ. Trại viết do Phạm Bùi Gia Khanh, học sinh khối 11 Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội là sáng lập viên.
Có niềm đam mê với văn học từ nhỏ, khi đọc cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh, Gia Khanh như bị mê hoặc bởi những vẻ đẹp của ngôn từ. Nữ sinh sau đó đã dành ra 5 tháng để viết một bài nghiên cứu văn học bằng tiếng Anh mang tên “Conceptual Metaphor and Eco-Temporality in the Sorrow of War” by author Bao Ninh, tạm dịch “Ẩn dụ ý niệm và Giới hạn sinh thái”. Bài viết sau đó được xuất bản trên tạp chí The Schola, một tạp chí quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn.
Càng đào sâu nghiên cứu về văn học, Gia Khanh càng mong muốn được thử thách bản thân ở lĩnh vực sáng tác. Năm 2023, nữ sinh sáng lập tạp chí The Penlogue - nền tảng giúp các bạn trẻ yêu thích văn học có thể chia sẻ tác phẩm của mình tới cộng đồng.
“Trong quãng thời gian ấy, em cảm thấy rằng văn học không chỉ chứa đựng giá trị nghệ thuật mà còn là cách chúng ta kết nối với chính mình, với người thân và với cộng đồng. Vì vậy, trại sáng tác là một không gian lý tưởng để các bạn không chỉ khám phá văn học một cách bài bản mà còn khai phá những quan điểm mới, từ đó tìm kiếm bản sắc cá nhân thông qua văn học”, Khanh nói.
Ý tưởng này của Khanh nhận được sự ủng hộ từ 6 người bạn khác cùng có chung niềm đam mê đến từ các trường THPT BIS, UNIS, TNS, ISPH tại Hà Nội. Cả nhóm nhanh chóng bắt tay tổ chức Trại viết Lumina dành cho những người trẻ từ 13 - 20 tuổi, trong đó có các workshop chia sẻ từ những diễn giả giàu kinh nghiệm như nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu; nhà văn, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai; tác giả, dịch giả Nguyễn Chí Hiếu; nhà văn Hiền Trang...
Ngoài việc truyền cảm hứng thông qua hành trình đến với văn học, các diễn giả cũng gợi mở ý tưởng, chia sẻ về kỹ năng sáng tác, đồng thời góp ý, chỉnh sửa để học viên có một tác phẩm độc đáo.
Theo Gia Khanh, đến với trại viết, ngoài việc trau dồi kỹ năng, các bạn trẻ thông qua văn học còn học được cách kết nối với bản thân và cộng đồng. Nhờ văn học, mỗi người sẽ có thời gian chậm lại để suy ngẫm và tìm kiếm bản sắc độc đáo ẩn sâu trong con người mình, đồng thời giúp mỗi người đến gần hơn với câu hỏi triết học “mình là ai?”.
Tại Camp Lumina, trong vai trò diễn giả, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai - tác giả của 12 cuốn sách, bao gồm hai tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh “The Mountains Sing” và “Dust Child” được dịch sang 25 ngôn ngữ - có dịp chia sẻ về hành trình sáng tác, chinh phục bạn đọc thế giới và sự kiên trì, vượt khó khi theo đuổi đam mê viết văn.
Trực tiếp đứng lớp sáng tác mang tên “Viết về nguồn cội”, nhà văn Quế Mai bất ngờ trước khả năng sáng tạo của những người trẻ. Thậm chí, có những học viên trước đó từng chia sẻ “không mấy thiện cảm với môn Văn do thường xuyên phải học thuộc, viết theo khuôn mẫu”, nhưng khi thử sức viết lại tạo nên những tác phẩm mang màu sắc rất riêng, thú vị và độc đáo.
“Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay nhưng ít được dịch và xuất bản ra nước ngoài. Tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều người trẻ đủ cảm hứng, nội lực bước ra ngoài thế giới bằng tác phẩm của mình, từ đó đưa con thuyền văn học Việt Nam vươn ra ngoài biển lớn”, TS. Quế Mai nói.
Sau 2 ngày tham gia trại viết, được gặp những người bạn có chung niềm đam mê, Hà Khánh Linh, học sinh lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cảm thấy hiểu rõ hơn về chính mình.
“Qua việc chia sẻ của các diễn giả, em cảm thấy văn học như “chữa lành tâm hồn”. Em cũng nhận ra việc sáng tác không phải chỉ dành cho người khác đọc mà còn để tìm hiểu, đào sâu và chữa lành chính mình”.
Còn với Lê Minh Khôi, học sinh lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, sau Camp Lumina, nam sinh nhận ra nguồn sáng tác và cảm hứng đôi khi đến từ chính những điều gần gũi hoặc ngay trong ký ức của bản thân.
“Lần đầu thử sức với sáng tác, em không nghĩ mình cũng có thể làm thơ và viết truyện ngắn. Đây là điều em chưa từng khám phá ra ở bản thân trước đó. Nhờ vậy, em cũng có thêm động lực để viết nhiều hơn”, Khôi nói.
Sau thành công của Trại viết văn học, triết học và văn hoá (Camp Lumina), Gia Khanh kỳ vọng sẽ tiếp tục lên kế hoạch và tổ chức trại viết Lumina vào mùa hè năm sau.
“Với những quan điểm, góc nhìn mới mẻ, trại viết sẽ giúp các bạn trẻ nhận ra việc viết không hề khó và các bạn có thể theo đuổi con đường sáng tác văn chương nghiêm túc”, Gia Khanh nói.
Ngọc Diệp