Tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp học sinh THPT” diễn ra mới đây, em Bảo Hân (học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) thắc mắc về cơ hội việc làm của ngành Sư phạm trong tương lai.

Trả lời băn khoăn của học sinh, TS Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay, theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của trường (gồm các ngành Sư phạm và ngoài Sư phạm) năm 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 96,1%. 

Vị trí việc làm vô cùng đa dạng như: Giảng viên các trường đại học có ngành Sư phạm/hoặc ngoài Sư phạm; Giáo viên phổ thông; Các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục; Làm trong các tổ chức về chính trị xã hội (chính quyền, đoàn thể...).

“Các em có thể vào web để tham khảo, tìm hiểu về các khoa, các ngành của trường sư phạm sẽ thấy cơ hội việc làm vượt xa khỏi suy nghĩ ban đầu. Bởi có nhiều ngành nghề mới và cơ hội việc làm vô cùng rộng mở, qua đó giúp cho các em theo đuổi được nghề mình thích, có sở trường và đặc biệt là có đầu ra”, ông Tư nói.   

W-img-7975-2.jpg
TS Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay, hiện, các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.

Cụ thể, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên Sư phạm.

“Thứ nhất, đối với những ngành khác, hầu hết các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo, nhưng riêng ngành Sư phạm các trường phải thực hiện chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT đặt ra. Chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT đặt ra cho các trường phải căn cứ vào 2 yếu tố rất quan trọng, đó là nhu cầu sử dụng của các địa phương và năng lực đào tạo của các trường.

Câu chuyện việc làm của ngành Sư phạm tới đây rất sát với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như Hà Nội, 4 năm nữa cần giáo viên những ngành gì, bao nhiêu... TP Hà Nội báo cáo về Bộ GD-ĐT cần đội ngũ như vậy. Trên cơ sở 63 tỉnh, thành báo cáo về, Bộ GD-ĐT mới giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Như vậy khả năng có việc làm của sinh viên Sư phạm là rất cao. Bởi chỉ tiêu đào tạo ra sát với nhu cầu sử dụng của các địa phương.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã giao các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức bổ sung khoảng 60.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026”, ông Nghệ nói.

hoc sinh thpt 2.jpg
Ảnh: Thanh Hùng.

Chưa kể, hiện nay, những ngành Sư phạm Âm nhạc và Nghệ thuật, Sư phạm Tin học, Sư phạm Tiếng Anh cũng đang rất thiếu giáo viên. “Thậm chí, hiện nay nhiều địa phương, nhiều trường phổ thông báo cáo về Bộ GD-ĐT rất muốn tuyển giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Âm nhạc hoặc Sư phạm nghệ thuật, Tin học, Tiếng Anh, nhưng không có người để tuyển. Bộ GD-ĐT đang phải dự thảo một Nghị quyết trình Chính phủ là cho phép các trường phổ thông có thể tuyển cả trình độ cao đẳng, vì trình độ đại học đang thiếu”.

Do đó, ông Nghệ cho rằng học sư phạm ra khả năng có việc làm là rất cao.

W-pham-nhu-nghe.jpg
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)

Ngoài ra, theo ông Nghệ, Nghị định 116 cũng quy định học sinh đã trúng tuyển vào ngành sư phạm, nếu có nhu cầu, sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

“Thứ nhất là không phải lo học phí (sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí). Thứ hai, mỗi tháng, sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ có thể nói là quá lớn. Một giáo viên mới tốt nghiệp ra trường hiện nay cũng không được số tiền lương như vậy, trong khi các em đi học đã được hưởng mức như vậy”, ông Nghệ nói.

Vào trường không phải đóng học phí, được nhận tiền hỗ trợ, ra trường lại có khả năng có việc làm cao. Ông Nghệ cho rằng đó là những điều rất ưu ái cho ngành sư phạm và hiện nay chỉ có ngành Sư phạm mới được như thế. 

Tuy nhiên, ông Nghệ cũng lưu ý, trong trường hợp đã nhận hỗ trợ, sau khi ra trường, các em phải làm trong ngành giáo dục. “Chỉ khi các em không làm trong ngành giáo dục, mới phải trả lại số tiền mà Nhà nước đã cấp”.