Học viện Báo chí Tuyên truyền tăng chỉ tiêu, không tổ chức thi năng khiếu
Năm 2022, Học viện Báo chí & Tuyên truyền dự kiến tuyển 2.400 chỉ tiêu, trong đó 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập ngày 16/1/1962. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng - văn hóa và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.
Đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông.
Trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường ĐH, CĐ và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước.
Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, các nhà giáo uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi,... Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, các lĩnh vực ở trung ương và địa phương.
Với những đóng góp trong 60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được nhận nhiều danh hiệu thi đua và khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, Học viện vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Hiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành, trong đó có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với ĐH Middlesex của Anh với hơn 2.400 sinh viên/năm; đào tạo trình độ thạc sĩ 20 ngành/chuyên ngành với 450-550 học viên/năm; đào tạo 7 ngành trình độ tiến sĩ với 30-50 nghiên cứu sinh/năm.
Học viện đã mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học... với hơn 10.000 lượt học viên.
Hiện có 30 đơn vị trực thuộc Học viện, trong đó có 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản.
Năm 2022, Học viện Báo chí & Tuyên truyền dự kiến tuyển 2.400 chỉ tiêu, trong đó 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Vinh vừa hoàn thành khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.