Theo đó, năm 2024, Học viện Tài chính có 5 phương thức tuyển sinh, gồm:
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
- Xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT.
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
- Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
- Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024.
Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính dự kiến là 4.500. Trong đó, chương trình chuẩn là 3.100 chỉ tiêu; chương trình đào tạo định hướng CCQT là 1.280; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển kết hợp.
Học viện Tài chính cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh diện xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT và xét tuyển kết hợp là điều kiện dự tuyển/điều kiện nộp hồ sơ của thí sinh.
Điểm xét tuyển của thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào từng ngành của Học viện Tài chính có tổng điểm 3 môn thi thuộc một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng) là từ 20 điểm trở lên đối với chương trình chuẩn và từ 21 điểm trở lên đối với chương trình định hướng CCQT theo từng mã xét tuyển.
Học phí của Học viện Tài chính dự kiến năm học 2024-2025 với Chương trình chuẩn là 25 triệu đồng/sinh viên/năm học; Chương trình định hướng CCQT là 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; Diện tuyển sinh theo đặt hàng là 43 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước.
Đối với lưu học sinh diện tự túc kinh phí, học phí theo quy định của Học viện đối với sinh viên nước ngoài diện tự túc kinh phí.
Với Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), học phí không thay đổi trong suốt 4 năm học như sau:
+ Học 4 năm trong nước: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (280 triệu đồng/sinh viên/khóa học)
+ Học 3 năm trong nước + 1 năm tại Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 3 năm học trong nước) và 490 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 1 năm học tại Trường Đại học Greenwich); tổng cộng là 700 triệu đồng/sinh viên/khóa học.
Với Chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm: học phí chuyên ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính là 171 triệu đồng (mức học phí bình quân: 57 triệu đồng/sinh viên/năm học); chuyên ngành Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán là 180 triệu đồng (mức học phí 2 năm đầu là 57 triệu đồng/sinh viên/năm học, riêng năm cuối là 66 triệu đồng/sinh viên/ năm học).
Chi tiết Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Học viện Tài chính, quý độc giả có thể xem dưới đây: