Là một bác sĩ nhi khoa, Elaine S. Kamil đã quen với việc dành hàng giờ đồng hồ chữa trị cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên gặp nhiều vấn đề khác nhau.

Cuối năm 2013, bà ở Washington, lên kế hoạch cho một cuộc họp của Hiệp hội Thận học Mỹ. Khi ban tổ chức quyết định vào phút cuối cần thêm một buổi nữa, bà đã ở lại muộn để hoàn thành công việc. Sau đó, bà lên máy bay và trở về nhà ở Los Angeles vào một đêm thứ bảy.

Ngay sau nửa đêm, bà Kamil biết có điều gì đó không ổn.

"Tôi bị đau ngực nặng nề. Tôi từng bị trào ngược nên tôi biết cảm giác tức ngực như thế nào. Nhưng lần đó đau dữ dội hơn nhiều", bà Kamil kể. Bà băn khoăn không biết có nên đánh thức chồng dậy không. Nhưng rồi cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

Tại bệnh viện, kết quả điện tâm đồ và xét nghiệm máu của bà Kamil có dấu hiệu bất thường. Khi xem kết quả chụp mạch vành, các bác sĩ chẩn đoán bà bị hội chứng trái tim tan vỡ còn được gọi là bệnh cơ tim takotsubo hoặc bệnh cơ tim do căng thẳng.

{keywords}

Bác sĩ nhi khoa Elaine S. Kamil từng bị hội chứng trái tim tan vỡ

Các triệu chứng phổ biến là đau ngực có thể xuất phát từ cơn đau tim, khó thở và ngất xỉu. Khi tình trạng này xuất hiện, tâm thất trái thay đổi hình dạng, phát triển cổ hẹp và đáy tròn, giống như một cái bẫy bắt bạch tuộc được gọi là takotsubo trong tiếng Nhật. Căn bệnh này được ghi nhận lần đầu vào năm 1990 ở Nhật Bản với 5 ca.

Hơn 8 năm sau, Kamil, hiện 74 tuổi, có sức khỏe ổn định. Bà là giáo sư danh dự tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai và giáo sư lâm sàng khoa học sức khỏe về nhi khoa. Nhưng giờ, bà tập trung nhiều hơn vào việc giảm căng thẳng cho bản thân mình.

Các ca bệnh xuất hiện đột ngột

Nghiên cứu mới cho thấy hội chứng trái tim tan vỡ, mặc dù vẫn chưa phổ biến, nhưng không hiếm như người ta từng nghĩ. Số ca mắc đang gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ trung niên trong nhóm 50-74 tuổi.

Trong 135.000 ca bệnh được nghiên cứu suốt 12 năm qua, 88% là phụ nữ, đặc biệt là ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Đôi khi, một sự kiện căng thẳng về cảm xúc, như cái chết của vợ/chồng hoặc một tai nạn xe hơi nghiêm trọng, có thể kích hoạt hội chứng trái tim tan vỡ.

Một bệnh nhân rất sợ nói trước đám đông đã phải nói chuyện trước một nhóm lớn khi mới đi làm. Một nữ bệnh nhân khác đã thua bạc. Một người phát bệnh khi dắt chó đi dạo trong rừng, con chó bị mắc vào một cái bẫy gấu.

Có nhiều tranh cãi gay gắt về nguyên nhân gây ra hội chứng. Các vấn đề về thể chất như hen suyễn, nhiễm trùng máu cũng có thể gây ra tình trạng trái tim tan vỡ.

Điều trị và phục hồi

Các chuyên gia từ Harvard và Mayo Clinic cho biết tình trạng này hiếm khi gây tử vong, nhưng một số trường hợp có thể bị biến chứng như suy tim.

Hiện không có hướng dẫn tiêu chuẩn nào cho việc điều trị. Các bác sĩ cung cấp các loại thuốc để giữ huyết áp ổn định, hạ lipid máu và làm loãng máu.

Hầu hết các bệnh nhân hồi phục trong vòng 3 đến 7 ngày. Thường trong vòng một tháng, chức năng tim của họ trở lại bình thường.

Việc phục hồi năng lượng lại như cũ có thể mất nhiều thời gian hơn. Bà Kamil mất khoảng 6 tháng.

Nhìn lại, bà nhận ra mình đã phải trải qua rất nhiều áp lực: “Tôi đã chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh mạn tính giống như gà mẹ”.

Bên cạnh việc chăm sóc bệnh nhi và lên kế hoạch cho các cuộc họp, bà còn bay qua lại Florida để chăm sóc mẹ có bệnh nền. Bà cũng quản lý giải thưởng truyền thông tại một trường đại học ở San Diego. Vợ chồng bà đã lập giải thưởng đó sau sự ra đi mãi mãi của con trai.

"Tôi đã rất bận rộn, đó là một trải nghiệm buồn vui lẫn lộn. Tôi từng nổi tiếng với câu nói: Tôi cần phải hoàn thành một việc nữa”, bà Kamil nhớ lại.

Bà đang cố gắng nghe lời khuyên của bác sĩ tim mạch để sống chậm lại.

Một bệnh nhân khác là Joanie Simpson nói rằng bà cũng đã sống chậm lại. Bà được chẩn đoán mắc hội chứng trái tim tan vỡ vào năm 2016, sau một loạt các sự kiện căng thẳng. Con trai của bà phải phẫu thuật lưng, con rể mất việc và chú chó Meha của bà đã chết. Hai vợ chồng bà cũng gặp rắc rối với khu nhà cho thuê.

Ở tuổi 66 tuổi, bà Simpson hiện nghỉ hưu và học cách tận hưởng cuộc sống hơn. Vợ chồng bà thường xuyên nghe nhạc, khiêu vũ quanh nhà. Họ cũng có kế hoạch mua một chiếc thuyền nhỏ để đi câu cá.

An Yên (Theo Webmd)

Dấu hiệu khi đánh răng cảnh báo bệnh tim

Dấu hiệu khi đánh răng cảnh báo bệnh tim

Nếu thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng, bạn cần đề phòng nguy cơ mắc bệnh liên quan tới tim.