Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12 tới đây tại Bắc Ninh
800 đại biểu tham dự trực tuyến và các đại biểu tham dự tại các điểm cầu trên cả nước. Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: Nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ này còn không ít khó khăn, thách thức. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”.
Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa (ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân; liên kết, hợp tác trong nước và ngoài nước trong phát triển văn hóa…) và các vấn đề đặt ra.
BTC nhận được hơn 100 bài tham luận từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh các ý kiến trong nước, một số chuyên gia quốc tế có uy tín (Trung Quốc, Hàn Quốc) cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, chính sách phát triển văn hóa.
"Chúng tôi hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.
Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa được tổ chức vào một thời điểm hết sức có ý nghĩa khi chúng ta đang nỗ lực triển khai tinh thần kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, phù hợp hơn với bối cảnh mới.
"Chủ đề hội thảo hết sức phù hợp, đặc biệt là đối với vai trò của Quốc hội như là một trong những cơ quan tổ chức chính. Tôi cho rằng, chúng ta cũng có thể xem đây là những nhân tố mang tính đột phá mà nếu xử lý được, chúng ta sẽ tạo ra một xung lực mới cho phát triển văn hóa.
Khi chúng ta có được những giải pháp phù hợp – đối với luật pháp về liên quan đến văn hóa như di sản, nghệ thuật biểu diễn, đất đai, thuế, địa vị pháp lý cho các mô hình kinh doanh sáng tạo... chính sách phù hợp hơn cho phát triển công nghiệp văn hóa, khơi thông được nguồn lực sáng tạo từ các văn nghệ sĩ, chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để phát triển lĩnh vực quan trọng này"- ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Đức Yên, Trần Kiên, Ngô Minh