Với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo và chuyên gia nghiên cứu đến từ các bộ ngành và địa phương, hội thảo này là dịp để ghi nhận đầy đủ hơn công trạng một Danh nhân lịch sử, có nhiều công lao to lớn với dân tộc trải qua 3 triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Thái sư Lưu Cơ - Thân thế và sự nghiệp
Theo "Phả ký tông từ họ Lưu" của dòng họ Lưu của Ngài Lưu Cơ (viết vào đời vua Lý Anh Tông năm 1138, hiện lưu trữ tại đền Vạn Ngang, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) và Ngọc phả còn lưu tại đền đình thờ tự Ngài, Thái Sư Lưu Cơ sinh vào ngày mồng 3 tháng Giêng năm Canh Tí (940) tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thái sư Lưu Cơ vốn thuộc dòng họ Lưu "Yên Định xứ Hoan Châu", tức là vùng đất Yên Định, nay thuộc xã Thịnh Lộc và xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thái sư Lưu Cơ là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, thống nhất đại loạn 12 sứ quân thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời là người cai quản Hoàng Thành Thăng Long, có công tu sửa thành quay về hướng Nam (hướng về kinh đô Hoa Lư thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm) trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Kinh thành Thăng Long.
Những vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ
Trong những năm gần đây, nhất là dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam, đã nghiên cứu bổ sung và tổng hợp tư liệu sâu hơn. Nhờ đó khẳng định những công lao đóng góp của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ.
Sự nghiệp, vai trò lịch sử và công tích của vị khai quốc công thần Lưu Cơ gắn với 3 sự kiện quan trọng của ba triều đại: nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý.
Thứ nhất, theo nghiên cứu của GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (tham luận tại Hội thảo "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam"), Thái sư Lưu Cơ có công lao giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta từ thế kỷ X.
Điển hình là Tướng quân Lưu Cơ được Đinh Bộ Lĩnh cử quản lĩnh 3.000 binh mã đóng quân tại trang Đại Từ, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, Vũ Ninh (nay là thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Dân làng Đại Từ đã ủng hộ, theo Lưu Cơ bình định sứ quân Lý Lãng Công (Lý Khuê), cát cứ tại huyện Siêu Loại, nay là Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau này Ngài đã ban đất quan điền cho dân làng Đại Từ. Lý lịch di tích cấp tỉnh đình Đại Từ và đình phả đã bổ sung cho chính sử về chiến công này.
Thứ hai, theo Đại Việt sử ký toàn thư (Trọn bộ, Nxb. Thời đại 2011, tr.129), Thái sư Lưu Cơ là vị quan đầu triều trông coi hình án, được đánh giá vai trò của một Phó Vương. Khi Đinh Bộ Lĩnh xưng đế vẫn giữ tên "Đô hộ phủ" của thành Đại La. Vì vậy, khi Lưu Cơ được giao làm Đô hộ phủ, nhiều người dễ nghĩ đó vẫn là An Nam Đô hộ phủ thời Bắc thuộc cho nên khi nghĩ đến Lưu Cơ dễ liên tưởng đến ý "Bắc thuộc"... Thực tế thành Đại La - Đô hộ phủ đã vắng chủ từ khi Ngô Quyền đánh bại Kiều Công Tiễn năm 937 đến khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi chọn kinh đô ở Hoa Lư năm 968.
Và theo cuốn “Hà Nội thời tiền Thăng Long” của TS. Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, do tình thế phải trụ lại Hoa Lư hiểm yếu, nên toàn bộ Giao Châu, vua Đinh Tiên Hoàng trao gửi ở Lưu Cơ với chức quan Thái sư Đô hộ phủ. Ngài cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu” (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại phong kiến nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Thời Tiền Lê, Ngài Lưu Cơ vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người của Giao Châu cho vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.
Thứ ba, cũng theo nghiên cứu "Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ, người trao chìa khoá thành Đại La cho Lý Công Uẩn" của TS. Nguyễn Việt, trong quá trình cai quản thành Đại La, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã cho xây dựng lại, cải tạo thành Đại La từ một toà thành Bắc thuộc trở thành một toà thành của Đại Cồ Việt trù phú, vững mạnh đủ điều kiện tiên quyết cho Lý Công Uẩn thực hiện quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Thành Đại La vốn có hướng trục chính, dinh thự và công sở hướng về phương bắc. Phủ Thái sư Lưu Cơ không thể dùng nguyên thành Đại La cũ của Cao Biền, mà phải quay tất cả về hướng nam, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt.
Những sửa sang cải tạo này vẫn được lưu giữ trong tầng văn hoá của Hoàng thành Thăng Long, nhờ khảo cổ đã phát hiện khá nhiều gạch ngói thời Hoa Lư, như gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân".
Theo nội dung cuốn “Bát Tràng - Làng nghề, Làng văn” (Nxb. Hà Nội, 2013; tr.52 và 292), công cuộc cải tạo Thành Đại La cũng liên quan đến việc Lưu Cơ đưa dân nghề gốm từ vùng Bồ Bát, xã Bạch Liên, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ra làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nên Thái sư Lưu Cơ được thờ là Thành hoàng làng Bát Tràng - Thánh cả Lưu Thiên Tử đại vương. Toà thành Đại La khi trở thành Kinh đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ vào tháng 7 năm 1010 đã là một kinh đô Đại Cồ Việt được chuẩn bị điều kiện hoàn tất, được ghi nhận là công lao của Thái sư Lưu Cơ.
Lưu Đoàn