Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện từ năm 2018 đến nay, qua rà soát, thống kê của 26 tỉnh, thành phố khu vực biên giới, DTTS miền núi biên giới, hải đảo, đã có tổng số 1.346 mô hình sinh kế được xây dựng.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2018-2020) đã xây dựng được 324 mô hình; giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến tháng 4/2023) đã xây dựng được 1.022 mô hình với sự tham gia của 12.610 thành viên… Trong đó, cấp Trung ương, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp triển khai 3 đợt nhắn tin ủng hộ xây dựng được 73 mô hình (100 triệu/1 mô hình) cho phụ nữ vùng DTTS các xã miền núi, biên giới.
Trong 5 năm, từ 2017-2022, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ cho 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó khoảng 1.100 phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công; gần 200.000 phụ nữ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm; 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ được thành lập; hỗ trợ 210 xã biên giới khó khăn khoảng 6,5 triệu con giống; gần 5 tỷ đồng vốn vay.
Theo đó, các mô hình sinh kế tập trung vào 5 nhóm: Hỗ trợ sinh kế trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi/sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính phát triển sinh kế; hỗ trợ sinh kế gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, du lịch, sinh kế gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ sinh kế thông qua đào tạo, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…
Nhờ có các mô hình sinh kế nên từ những gia đình trước đây là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, nay đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống của các hội viên, phụ nữ, bà con vùng cao, DTTS đang ngày một đổi thay.
Tiêu biểu như mô hình trồng địa lan của chị Giàng Thị Dua (dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), nhờ được Hội LHPN xã hướng dẫn, chị được tiếp cận và vay 74 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Với số tiền này, chị đã đầu tư vào trồng và chăm sóc cho cây địa lan phục vụ khách du lịch và bán cho các cửa hàng ở thành phố Lai Châu, ở Sapa, Hà Nội… Nhờ đó, đến nay, chị đã trả hết nợ và có thêm nguồn vốn để đầu tư, kinh doanh thêm dịch vụ lưu trú, du lịch. Cuộc sống gia đình khấm khá hơn, có kinh tế lo cho con cái học hành đầy đủ.
Hay như mô hình phát triển kinh tế vườn – ao - chuồng của hộ gia đình chị Hoàng Thị Thoa (thôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nhờ sự trợ giúp của Hội LHPN, chị được hỗ trợ vay 10 triệu đồng. Với nguồn vốn này, gia đình chị tận dụng đất xung quanh vườn để đào ao nuôi cá, nuôi vịt, gà,… Nhờ đó, kinh tế gia đình chị cũng dần được cải thiện, hiện đã vươn lên thoát nghèo.
Nhờ có các mô hình sinh kế đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và cộng đồng, góp phần đưa 49/210 xã tại 26 tỉnh biên giới, hải đảo hoàn thành các chỉ tiêu về đích nông thôn mới.