Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương có năm dự án với tổng số 2.070 căn đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, tuy nhiên không có dự án nào nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, năm dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai gồm: Dự án chung cư Ngôi Sao (phường Đông Hòa, TP Dĩ An, 1.002 căn); khu nhà ở Sài Gòn Center (phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên, 500 căn), khu nhà ở U&I An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, 178 căn); khu nhà ở Thuận An Land (TP Thuận An, 103 căn) và khu nhà ở U&I Thới Hòa (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, 287 căn).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương không có dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân đủ điều kiện mở bán trong khi tỉnh là địa phương phát triển công nghiệp, với tới tốc độ tăng trưởng dân số cơ học ở mức cao, nhu cầu về NƠXH của người lao động là rất lớn.
Các khu vực đông công nhân lao động như TP Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát... khan hiếm NƠXH.
Đánh giá về những khó khăn trong việc phát triển NƠXH thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn trước, quỹ đất ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, có mức giá đa dạng, phù hợp với thu nhập nên người dân có nhiều sự lựa chọn thay vì mua căn hộ NƠXH.
Cùng với đó, chính sách ưu đãi hiện chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa NƠXH với đất nền thương mại tại địa phương, chưa hình thành tài sản cho người mua nhà. Các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư NƠXH do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp, lợi nhuận không cao.
Ngoài ra, do điều kiện đặc thù của công nhân, lao động có thời hạn và không ổn định nên nếu không có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này thì không thu hút được công nhân, người lao động gắn bó lâu dài tại địa phương…
Tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Bình Dương được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 46.377 căn; giai đoạn 2026 - 2030 là 40.500 căn.
Để thực hiện chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Bình Dương cho hay, sẽ thực hiện nhóm giải pháp về quỹ đất, quy hoạch kiến trúc và nguồn vốn.
Đối với giải pháp về quỹ đất, tỉnh chuẩn bị 6 nguồn quỹ đất để phát triển NƠXH. Trong đó, quỹ đất phát triển trên cơ sở quỹ đất do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý hoặc quỹ đất do Trung tâm phát triển quỹ đất đang quản lý (đất nhà nước thu hồi do vi phạm).
Bố trí quỹ đất do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý tại 22 khu vực với khoảng 173ha dự kiến sẽ đầu tư khoảng 19.731 căn, tương đương 1.705.270m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 133.000 người với tổng mức đầu tư khoảng 15.457 tỷ đồng, để đưa vào quỹ đất phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Với quỹ đất có sẳn của các nhà đầu tư có văn bản đề xuất 17 khu 214ha xây dựng khoảng 62.932 căn, tương đương 3.467.293m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 240.790 người với tổng mức đầu tư khoảng 31.428 tỷ đồng.
Với quỹ đất 20% đã có sẳn từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị quy hoạch dành để phát triển NƠXH, thống kê cho thấy, hiện nay các dự án nhà ở thương mại của chủ đầu tư có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2021 có tổng số 32 dự án diện tích đất khoảng 85ha, dự kiến đầu tư khoảng 24.164 căn, tương đương 1,92 triệu m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 102.147 người với tổng mức đầu tư khoảng 16.438 tỷ đồng.
Ngoài ra, với quỹ đất chuyển đổi công năng trên các địa bàn TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và thị xã Bến Cát để phát triển NƠXH sẽ sử dụng một phần quỹ đất sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phải chuyển đổi công năng theo lộ trình để đầu tư phát triển nhà ở xã hội 48 khu khoảng 267ha (khoảng 67.500 căn, tương đương 3.374.990m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 266.951 người) với tổng mức đầu tư khoảng 30.591 tỷ đồng...
Về nguồn vốn cho NƠXH, UBND tỉnh Bình Dương khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng NƠXH, có cơ chế quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Trong năm 2023, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển mới 18.000 căn NƠXH.
Dự án “quên” đất xây nhà ở xã hội tại Bình Dương
Theo Kết luận Thanh tra, Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, có 2/13 dự án có quy mô trên 10ha dành không đủ 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt để phát triển NƠXH.
Cụ thể, tại dự án Khu dân cư Cầu Đò (xã An Điển, thị xã Bến Cát), quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2006, đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp chiếm 7% đất ở.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thị xã Bến Cát phê duyệt năm 2020, tỷ lệ đất dành cho NƠXH trên tổng diện tích đất ở là hơn 7,5%.
Còn tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát), gồm 2 khu A và B. Theo quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu dân cư Mỹ Phước 4, vị trí xây công trình cho người thu nhập thấp được bố trí tại khu B. Theo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 năm 2016, diện tích đất dành cho NƠXH là hơn 15.925/126.445m2 tổng diện tích đất ở khu B.
Diện tích đất dành cho NƠXH ở 2 khu (A và B) theo quy hoạch được phê duyệt chiếm hơn 8,1% diện tích đất ở.
Thanh tra Bộ Xây dựng để nghị UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, rà soát dự án Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Mỹ Phước 4 để thực hiện việc bố trí đủ quỹ đất NƠXH đúng quy định.
Tại dự án Khu nhà ở Đất Mới do Công ty CP Đất Mới làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương tại văn bản 452 năm 2019 không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH.
“Yêu cầu UBND tỉnh rà soát, xác định quỹ đất để phát triển NƠXH tại dự án theo quy định. Nếu có thất thoát ngân sách thì xử lý theo quy định của pháp luật” – kết luận thanh tra nêu.