Người dân không phải khai thông tin nhiều lần khi dùng dịch vụ công

Một trong những chỉ tiêu cơ bản nhất trong phát triển Chính phủ điện tử là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đến hết năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 31%, vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 17. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp thông tin, kê khai thông tin nhiều lần.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng lấy người dân làm trung tâm, việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là hết sức cần thiết. Mục tiêu là để người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến không phải điền lại những thông tin mà cơ quan nhà nước đã có.

{keywords}
Để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng lấy người dân làm trung tâm, việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư là hết sức cần thiết.

CSDL quốc gia về dân cư - một trong những CSDL quốc gia quan trọng tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, đã được khai trương ngày 25/2/2021 và đưa vào vận hành chính thức trên toàn quốc từ ngày 1/7/2021.

Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) do Bộ TT&TT quản lý và Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đặc biệt, là CSDL cơ bản nhất liên quan đến thông tin của người dân, CSDL quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm thiểu yêu cầu giấy tờ cá nhân khi thực hiện những dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

{keywords}
Kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư là một nội dung được tập trung tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở TT&TT địa phương được Bộ TT&TT tổ chức mới đây.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở TT&TT mới đây, ông Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, để việc kết nối, chia sẻ khai thác thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư được thống nhất, đảm bảo an ninh an toàn thông tin và đúng quy định  hiện hành của pháp luật, Bộ Công an đã phối hợp cùng Bộ TT&TT triển khai thử nghiệm một số dịch vụ thông qua nền tảng trục tích hợp quốc gia.

Các dịch vụ dữ liệu hiện có của CSDL quốc gia về dân cư gồm có: xác minh nhân thân; cung cấp thông tin công dân, xác thực thông tin công dân, tra cứu và cung cấp thông tin công dân, cung cấp thông tin người giám hộ, cung cấp thông tin chủ hộ, cung cấp thông tin nơi ở hiện tại, cung cấp thông tin hộ gia đình, cung cấp thông tin nhóm máu, xác minh tình trạng hôn nhân và xác minh tình trạng chết/mất tích.

Từ kết quả triển khai thử nghiệm kết nối CSDL quốc gia về dân cư với hệ thống của một số bộ, ngành, địa phương và Cổng dịch vụ công quốc gia, đại diện C06 chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như: chưa có văn bản pháp lý quy định các trường thông tin đầu vào để kết nối chia sẻ; việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu còn chậm...

Kết nối xong hơn 200 dịch vụ công với CSDL quốc gia dân cư trước 23/6

Đại diện C06 đề nghị Bộ TT&TT thống nhất chọn hơn 200 dịch vụ công trực tuyến mức 4 để triển khai. Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT có trách nhiệm rà soát danh sách và yêu cầu địa phương để thống nhất triển khai kết nối, khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư.

Cũng tại hội nghị ngày 28/4, đại diện Cục Tin học hóa đã hướng dẫn cụ thể các Sở TT&TT địa phương về những việc cần thực hiện để chuẩn bị sẵn sàng kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư.

Theo đó, bên cạnh hướng dẫn về mô hình kết nối, hạ tầng mạng và trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ, đại diện Cục Tin học hóa nêu rõ các bước để kết nối nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với nền tảng NGSP.

{keywords}
Mô hình kết nối hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến với CSDL quốc gia về dân cư.

Đối với việc chỉnh sửa cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, đại diện Cục Tin học hóa lưu ý: “Đây là nội dung khó, mất nhiều thời gian nên đề nghị các địa phương quan tâm, bố trí nhân sự phù hợp”.

Các địa phương cần nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, kịch bản kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư với 11 dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hiểu được kịch bản khai thác sử dụng của 236 dịch vụ công trực tuyến mức 4 ưu tiên kết nối với CSDL quốc gia về dân cư (183 cấp tỉnh, 36 cấp huyện, 17 cấp xã).

Theo lộ trình, các công việc rà soát, hoàn thiện hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu/phòng máy chủ cũng như nghiên cứu tài liệu hướng dẫn kết nối, kịch bản kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư sẽ xong vào ngày 9/5. Thời hạn hoàn thành kết nối LGSP- NGSP, tài liệu hóa kỹ thuật kết nối để gửi cho các cơ quan, đơn vị phát triển cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử là ngày 16/5.

Dự kiến việc chỉnh sửa cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để kết nối LGSP, phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2021.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh kết nối, khai thác CSDL về dân cư với hơn 200 dịch vụ công ưu tiên, đảm bảo hoàn thành trước ngày 23/6 để sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay từ 1/7/2021.

Bộ TT&TT giao Cục Tin học hóa làm đầu mối hỗ trợ địa phương. Cục Tin học hóa cũng được yêu cầu khẩn trương dự thảo văn bản của Bộ hướng dẫn cụ thể việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư với hơn 200 dịch vụ công ưu tiên để các địa phương có cơ sở triển khai.

Thứ trưởng đề nghị Bộ Công an và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa để thúc đẩy việc kết nối, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian tới.

Vân Anh

Sử dụng nền tảng “xương sống” cho kết nối, chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc

Sử dụng nền tảng “xương sống” cho kết nối, chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc

Sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là một trong bốn yêu cầu cần thiết trong xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin liên quan đến dân cư bảo đảm kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia dân cư.