Chính Elon Musk cũng sớm nhận ra điều bất thường này.
Tuy nhiên, quan niệm về tài khoản giả mạo hay thư rác của nhóm có thể không giống như Twitter.
Cụ thể, nhóm đã sử dụng một hệ thống gồm 17 tín hiệu cảnh báo dựa trên thuật toán chạy qua 35.000 tài khoản giả được SparkToro mua cùng với 50.000 tài khoản được đánh dấu là “thật”.
Các tài khoản theo dõi của Musk bị gắn cờ vì có dấu hiệu spam sẽ được nhóm phân loại vào hàng chất lượng thấp hoặc giả mạo.
Khi phân tích các tài khoản không hoạt động, căn cứ vào thời gian họ không tweet trong 90 ngày, nhóm xác định có khoảng 70,23% người dùng không thật sự tương tác với Elon Musk trên Twitter.
Khi kiểm tra tất cả gần 100 triệu người theo dõi của Musk, họ phát hiện ra 73% có các từ khóa tương quan với thư rác trên hồ sơ của họ và 71% sử dụng các vị trí giả mạo. 41% trong số những tài khoản này sử dụng tên hiển thị phù hợp với các mẫu rác. Đáng chú ý, có tới 69% tài khoản không hoạt động trong hơn 120 ngày. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra 83% tài khoản theo dõi Musk có số lượng người theo dõi rất khiêm tốn và 78% theo dõi rất ít tài khoản khác.
Các chỉ số khác mà nhóm đã sử dụng bao gồm tuổi của tài khoản Twitter, số lượng tweet được tạo trong một khoảng thời gian dài và tài khoản có sử dụng ảnh hồ sơ mặc định của Twitter hay không.
Do đó, SparkToro cho biết họ quan niệm các tài khoản giả mạo là "những tài khoản không thường xuyên có người dùng tự soạn nội dung tweet, tham gia vào hệ sinh thái Twitter”.
Trái lại, Twitter định nghĩa người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền là những người, tổ chức hoặc tài khoản khác đã đăng nhập hoặc được xác thực và truy cập Twitter vào bất kỳ ngày nào.
Mới đây, CEO Tesla thừa nhận rằng số tài khoản Twitter theo dõi ông có thể bị thổi phồng. Do đó, Musk yêu cầu Twitter chứng minh lượng người dùng giả mạo phải dưới 5% mới tiếp tục thỏa thuận mua lại mạng xã hội này.
Thái Hoàng (Theo Insider)