Bắt đầu từ triệu chứng vàng da, nổi nhiều nhọt, ăn uống không tiêu, ông T.A.H (sinh năm 1971, Đồng Nai) khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và được chẩn đoán xơ gan. Đây không phải kết quả bất ngờ vì ông H. uống rượu bia kéo dài nhiều năm.

Tuân thủ điều trị khoảng vài tháng, ông H. thấy bệnh ổn định nên ngưng thuốc, bỏ tái khám. Ngày nhập viện trở lại, kết quả chụp chiếu và xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư biểu mô tế bào gan (dạng phổ biến nhất trong ung thư gan).

Ông H. được chỉ định thực hiện kỹ thuật nút mạch hoá chất (TACE) nhiều đợt, giúp khống chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống.

“Nhận kết quả ung thư, gia đình bị sốc nặng vì không nghĩ từ xơ gan chuyển sang ung thư gan lại nhanh như thế”, vợ ông H. tâm sự.

Trong khi đó, ông T.T.A. (45 tuổi, TP.HCM) đến khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng đau tức hạ sườn phải với tiền sử viêm gan virus B.

Bác sĩ tiến hành siêu âm và phát hiện một khối u có đường kính trên 10cm, các chỉ số ung thư như PIVKA II và AFP cũng tăng rất cao. Sau khi hội chẩn, ê-kíp điều trị tiến hành phẫu thuật nội soi cắt gan cho người bệnh.

Một bệnh nhân ung thư ở tỉnh lên TP.HCM điều trị. Ảnh: Thế Sơn.

Theo Globocan 2020, hiện nay, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư đứng đầu ở Việt Nam với gần 26.500 ca mắc mỗi năm. 77% số ca ung thư gan là nam giới. Đây cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với gần 25.300 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020.

Trong khi đó, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam với khoảng 26.000 ca và khoảng 23.000 ca tử vong mỗi năm. 

Phó giáo sư, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết Việt Nam thuộc vùng dịch tễ viêm gan siêu vi B, C. Những người mắc bệnh viêm gan B, C mạn tính, xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan.

Bên cạnh đó, người bị đái tháo đường type 2, bệnh gan do di truyền, uống nhiều rượu bia, nhiễm độc chất aflatoxin (có trong các loại ngũ cốc bị mốc), dioxin, hút nhiều thuốc lá,... cũng có nguy cơ cao của ung thư gan. 

Bác sĩ Hoàng cho biết thêm chế độ ăn quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, đường dẫn tới thừa cân béo phì, gan nhiễm mỡ, ngay cả ở người trẻ và trẻ em cũng đang tăng cao tỷ lệ gan nhiễm mỡ. Đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư đứng đầu ở Việt Nam. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, lựa chọn phác đồ thích hợp phải phụ thuộc vào tổn thương và tình trạng xơ của gan.

Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp như hủy u bằng sóng cao tần hoặc vi sóng, phẫu thuật, ghép gan, bơm hóa chất làm tắc mạch nuôi khối u (TACE), liệu pháp toàn thân như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp miễn dịch.

Bệnh nhân đang chờ khám ung bướu tại một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM. Ảnh: Thế Sơn.

Các bác sĩ cho biết tầm soát ung thư gan định kỳ được xem là giải pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm các bất thường. Theo đó, ung thư gan từ lúc mới hình thành đến khi sang giai đoạn tiến triển thường kéo dài. Việc theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng bằng siêu âm bụng và AFP ở các đối tượng nguy cơ sẽ giúp phát hiện sớm khi khối u dưới 2cm.

 AFP là protein do tế bào ung thư gan sản xuất. Ngoài ra, AFP có trong ung thư tế bào mầm, giai đoạn viêm gan nặng và trong thai kỳ.

Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có khối bất thường ở gan sẽ làm các biện pháp chuyên sâu hơn để tìm ra được khối u phát hiện sớm từ khi bệnh mới hình thành, có biện pháp điều trị hiệu quả.