CQĐT chỉ ra rằng, ngoài thủ đoạn rút ruột Ngân hàng (NH) SCB bằng tiền, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo rút tiền của SCB bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo ra khỏi ngân hàng, sử dụng vào mục đích riêng
Kết quả điều tra xác định, trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 240 tài sản bảo đảm cho 430 khoản vay bị hoán đổi tài sản bảo đảm (trong đó có khoản vay hoán đổi tài sản tới 12 lần).
Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trên sổ sách là hơn 487.451 tỷ đồng, nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, đến nay giá trị trên sổ sách là hơn 351.948 tỷ đồng.
Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi, có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu như: Tòa nhà Sherwood Resident tại 127 Pasteur; Tòa nhà 66 Phó Đức Chính, TP.HCM.
Né sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước
Thậm chí các đơn vị cho vay thuộc SCB chỉ để phục vụ cho các mục đích giải ngân tiền cho bà Trương Mỹ Lan đã được thành lập.
Theo đó, thay vì thực hiện việc giải ngân tiền, lập hồ sơ để hợp thức thành các khoản vay ở các chi nhánh lớn của NH SCB như trước đây, từ năm 2020, bà Lan chỉ đạo lãnh đạo SCB cho lập một số đơn vị có chức năng cho vay như các chi nhánh, trực thuộc Hội sở NH SCB. Việc này nhằm tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.
Triển khai thực hiện, tháng 3/2020, ông Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ SCB quyết định thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ giải ngân cho các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan.
Cả 3 đơn vị này được lãnh đạo SCB giao giải quyết các khoản vay như ở chi nhánh, nhưng các đơn vị đều có đặc điểm khác biệt so với các chi nhánh SCB là: các đơn vị trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở NH SCB, không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của các đơn vị khác khi hoạt động…
CQĐT xác định, từ 6/2020- 6/2022, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân tiền cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan- Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 296 khách hàng, với 396 khoản vay.
Tính đến ngày 17/10/2022, có 185.183 tỷ nợ gốc và 27.542 tỷ nợ lãi/phí. Tổng số nợ là 212.725 tỷ đồng.
Lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân
Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích của mình, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết dòng tiền để phát hiện sai phạm, bà Lan chỉ đạo việc sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma”.
Việc này nhằm thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống NH SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt để cắt đứt dòng tiền.
Việc rút tiền tại SCB được thực hiện như sau: Khi cần tiền sử dụng, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo một số chi nhánh lớn của SCB thực hiện việc rút tiền dưới 2 hình thức: Rút tiền mặt trực tiếp tại NH hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty “ma”, cá nhân trong nhóm.
Các cá nhân, đại diện pháp nhân sẽ được hẹn đến NH để ký chứng từ rút tiền. Sau đó tiền sẽ được chuyển về tận nhà cho bà Lan tại Tòa nhà Sherwood ở 127 Pasteur, TP.HCM.
Sổ tay ghi chép và lời khai của người liên quan cho thấy, từ 2/2019-9/2022, theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, người có tên Bùi Văn Dũng đã vận chuyển tiền từ NH SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở Trần Hưng Đạo hoặc về hầm B1, Tòa nhà Sherwood hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Số tiền này được xác định là 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD. Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải nhân sang tài khoản các cá nhân, pháp nhân này.
Khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan.
NH SCB ghi nhận số tiền trên sau đó được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền), từ các cá nhân, pháp nhân được giải ngân theo các phương án vay vốn.
Chiêu bán nợ xấu
Việc thông qua các công ty nhóm bà Trương Mỹ Lan- Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền ra khỏi NH SCB để chiếm đoạt, sử dụng cá nhân đã khiến nợ gốc và lãi ngày càng “phình” ra, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5.
Trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi quy định của NHH, nên để che giấu một phần nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng và có thể tiếp tục cho vay, giải ngân theo các hồ sơ “khống” của công ty “ma” nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB, bà Lan và đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC và bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập.
Kết quả điều tra cho thấy, từ 1/2012-10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chỉ đạo bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay/216 khách hàng số tiền hơn 133.335 tỷ đồng.
Mua chuộc cán bộ
Theo kết luận điều tra, ngoài những thủ đoạn nêu trên, quá trình hoạt động, do SCB thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, thanh kiểm tra tình hình hoạt động; để không bị phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm, bà Trương Mỹ Lan sẵn sàng chi tiền để mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại NH SCB để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực, đầy đủ.