Hãng tin RT dẫn bài viết trên tờ Nature Food cho hay, hầu hết các suy đoán hiện thời về chiến tranh hạt nhân đều tập trung vào mức độ khủng khiếp của các vụ đánh bom. Tuy nhiên, nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Rutgers, Mỹ tiến hành lại tập trung vào những nỗi đau sau khi xung đột nổ ra, như chuỗi cung cấp bị phá vỡ, cơ sở hạ tầng địa phương bị tàn phá, tác động của mùa đông hạt nhân đối với cây lương thực.
Theo mô hình mà các nhà nghiên cứu sử dụng, hiệu ứng làm mát sẽ xảy ra khi tro bụi từ một cuộc chiến hạt nhân xâm nhập vào khí quyển đi tới cực đại trong vòng một hoặc hai năm, song nhiệt độ sẽ giảm suốt một thập niên và tiếp đó là lượng mưa cũng giảm. Biến động về nguồn cung lương thực, gồm cả ngô, gạo, đậu nành và bãi chăn thả vật nuôi cũng được tính tới.
Mặc dù việc phân phối lương thực giữa các nước không liên quan trực tiếp đến chiến tranh hạt nhân, song nó lại phụ thuộc một phần vào các liên minh chính trị hiện có, các tuyến đường thương mại và các yếu tố con người. Mô hình thời tiết hiện nay còn cho thấy, gió có thể đẩy các đám mây khói và tro bụi tới bầu trời của các nước sản xuất lương thực lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức và Anh, dẫn đến nguồn cung cấp lương thực cho thế giới giảm 90%.
Giáo sư khoa học khí hậu và là đồng tác giả nghiên cứu Alan Robock nói: "Dữ liệu cho chúng ta biết một điều: Chúng ta phải ngăn chặn chiến tranh hạt nhân xảy ra".
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một cuộc xung đột hạt nhân giữa những nước như Ấn Độ và Pakistan cũng có thể khiến các khu vực nông nghiệp trọng điểm bị ảnh hưởng trong nhiều năm, đồng thời gây ra khủng hoảng người tị nạn. Sau đó, cộng thêm những tác động của mùa đông hạt nhân, sẽ có khoảng 2 tỷ người chết đói.
Nghiên cứu được đưa ra sau khi xuất hiện lo ngại về chiến tranh giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 4 cảnh báo rằng có nguy cơ nghiêm trọng về chiến tranh hạt nhân nổ ra.