TP.HCM có 1.218 trường mầm non với hơn 156.000 trẻ tham gia chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh, chiếm khoảng 57,4%. Khoảng 3.200 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh, trong đó có 232 giáo viên bản ngữ, tỷ lệ 7,3%. Đa số các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh 2 buổi/tuần, thời gian mỗi buổi từ 25-40 phút tùy thuộc độ tuổi của trẻ.
Theo đánh giá Sở GD-ĐT, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp trẻ sớm làm quen với ngôn ngữ thứ 2 và tự tin hơn trong giao tiếp.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình triển khai, các cơ sở giáo dục mầm non đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm quen tiếng Anh của trẻ. Trẻ tham gia các giờ học hứng thú, mạnh dạn, tự tin...”.
Từ tháng 12/2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 50 về Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Thông tư 50 là cơ sở cho việc phát triển các chương trình làm quen với Tiếng Anh, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, bắt đầu hứng thú với ngoại ngữ và là nền tảng cho việc học tiếng Anh ở các bậc học sau này.
Đồng thời, Thông tư 50 cũng nêu rõ các hướng dẫn về công tác đánh giá kết quả giáo dục bao gồm mục đích, nội dung, phương pháp và các hình thức đánh giá phù hợp, qua đó cho thấy sự cần thiết trong công tác đánh giá và cần có một bộ công cụ khảo sát nhằm đánh giá, thu thập thông tin về khả năng nghe, nói, tiền đọc viết tiếng Anh của trẻ.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có hội thảo nói sâu, nói thẳng, nhìn rõ những gì còn hạn chế, tồn tại trong quá trình làm". Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh việc cần thiết của công tác đánh giá kết quả chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo. Vì đã cho trẻ học tiếng Anh cần kiểm tra đánh giá để có cơ sở để thực hiện theo chuẩn.
"Để học ngôn ngữ thứ 2 thật chuẩn, chúng ta cần tăng cường quản lý kiểm tra và đánh giá việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Điều này đặt ra yêu cầu cần các phương pháp kiểm tra đánh giá đạt chất lượng để có cơ sở thực hiện theo chuẩn quốc tế", bà Châu thông tin.
Tại hội thảo, ông James Moran, Giám đốc học vụ Tập đoàn Giáo dục EMG Education, cho biết, vừa qua theo yêu cầu và hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP, đơn vị đã thực hiện thí điểm khảo sát đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại 3 trường mầm non là Trường Mầm non Thành phố, Mầm non Nam Sài Gòn và Mầm non 19/5 Thành phố với 366 học sinh.
Trong số 366 trẻ, có 178 trẻ tham gia đánh giá ở cấp độ Level 1 (các bé bắt đầu lớp chồi trong năm học 2023-2024) và 188 trẻ tham gia đánh giá ở cấp độ Level 2 (các bé bắt đầu lớp lá trong năm học 2023-2024).
Theo đại diện EMG Education, bộ công cụ đánh giá nhằm hỗ trợ thu thập thông tin về năng lực tiếng Anh ở các kỹ năng nghe, nói, tiền đọc, viết của trẻ. Kết quả là cơ sở cho việc đánh giá chất lượng, điều chỉnh và định hướng phương pháp, kế hoạch hoạt động trong các cơ sở mầm non, mẫu giáo đang triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Qua quá trình khảo sát, đối với cấp độ Level 1, mỗi trẻ có mức phát triển và tốc độ phát triển khác nhau nên có sự chênh lệch cả về trình độ tiếng Anh và mức độ phát triển nói chung ở các bé. Đối với cấp độ Level 2, trẻ thoải mái hơn khi tiếp xúc với giám khảo và thể hiện sự tự tin, dạn dĩ hơn khi làm quen với hoạt động đánh giá.
Phần lớn trẻ ở cấp độ này có thể tham gia và phản hồi tốt với các hoạt động đánh giá, chỉ có một số ít trẻ còn ngập ngừng và chưa thực sự tự tin.
Theo ông James Moran, việc thực hiện khảo sát thí điểm tại 3 cơ sở giáo dục mầm non là bước đệm để nhiều cơ sở giáo dục mầm non có thể cân nhắc triển khai công cụ đánh giá, đồng thời hỗ trợ định hướng sớm cho trẻ với những kỹ năng chưa đạt ở lứa tuổi, phù hợp với những quy định của Bộ GD-ĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng tạo dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh sớm, tích cực là cực kỳ quan trọng, giúp trẻ có khả năng dần biết thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tiếng Anh ở các cấp học sau. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dạy và học đối với trẻ mầm non để phát huy hiệu quả.