Bác sĩ lo bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn, 40% có dấu hiệu cảnh báo sốc
Sốt nhiều ngày kèm mệt mỏi, sáng đầu tuần, ông Q.V.D (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) khi đánh răng thấy chảy máu nhiều bỗng giật mình.
"Càng súc miệng càng thấy máu chảy nhiều hơn" - người đàn ông hơn 60 tuổi nói không hề biết mình mắc bệnh. Ông được đưa đến bệnh viện huyện, chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, có dấu hiệu cảnh báo nặng nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Lúc này, tiểu cầu của ông chỉ còn dưới 10.000 (mức bình thường là 150.000 - 450.000/micro lít máu), kèm theo chảy máu chân răng không cầm. Bác sĩ khoa Truyền nhiễm chỉ định truyền tiểu cầu gấp cho bệnh nhân, đồng thời sử dụng các thuốc cầm máu. Đây là một trong những bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nặng trong số hàng chục ca bệnh đang điều trị tại viện này.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện, cho biết các ca sốt xuất huyết tăng nhanh từ nửa cuối tháng 8. Tính từ đầu vụ dịch sốt xuất huyết đến nay, bệnh viện này tiếp nhận, điều trị nội trú cho 1.300 ca bệnh.
Hiện cơ sở này đang điều trị cho khoảng 180 ca sốt xuất huyết. Nhiều gia đình có 4 người thì 3 người phải nhập viện vì có dấu hiệu cảnh báo, con nằm khoa Nhi kèm theo bố, mẹ nằm khoa Truyền nhiễm.
"Tỷ lệ bệnh nhân đến viện khi có dấu hiệu cảnh báo rất cao, lên tới 40%, cao hơn các năm rất nhiều. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu vào ngày thứ 4, 5 từ khi khởi phát, đây là giai đoạn nguy hiểm trong diễn biến bệnh. Nhập viện vào thời điểm này được cho là muộn" - BS Thường nói.
Nhiều bệnh nhân "chờ" tới lúc có dấu hiệu cảnh báo mới vào viện. Các dấu hiệu gồm: Đau bụng, nôn trớ nhiều, mệt mỏi nhiều đến mức không dậy nổi, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, xuất huyết âm đạo, tiểu ít... Đến khám, bệnh nhân đã giảm tiểu cầu nặng, men gan tăng, có hiện tượng rối loạn đông máu, tràn dịch màng phổi, màng bụng...
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 225.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 ca tử vong. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, thủ đô ghi nhận tới 807 ca mắc trong tuần qua (tính từ 24-30/9), nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 4.700 ca mắc (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước), 5 ca tử vong.
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 56 ổ dịch mới, hiện còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng nhanh, số ca nhập viện cũng tăng nhanh.
900 trẻ ở Hà Nội mắc virus Adeno chỉ trong một tuần
Tại các cơ sở y tế ở Hà Nội thời gian này ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Các bệnh lý chủ yếu gồm hô hấp, da liễu, rối loạn tiêu hoá do rotavirus, sốt xuất huyết và nhiễm virus Adeno.
Sở Y tế Hà Nội dẫn thông tin số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp, từ đầu năm đến 29/9, Hà Nội đã ghi nhận 1.940 bệnh nhân dương tính với virus Adeno, tăng hơn 900 ca so với báo cáo cách đó 7 ngày. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã. Ba trường hợp tử vong (Mỹ Đức 1, Phú Xuyên 1, Tây Hồ 1).
Một số quận huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (175 ca), Đống Đa (154 ca), Hoàng Mai và Nam Từ Liêm đều có 152 ca.
BS Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), cho biết gần đây bệnh viện ghi nhận số bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Trước đây, bệnh viện tiếp nhận khám từ 1.000 - 1.200 bệnh nhân/ngày thì gần đây, không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân, thậm chí cao nhất là khoảng 1.800 bệnh nhân với trên 2.200 lượt khám/ngày.
Bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào những khung giờ cao điểm. Các phòng khám được tăng cường vào thời điểm này chủ yếu dành cho các chuyên khoa như: Truyền nhiễm, hô hấp, nhi, tai-mũi-họng...
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, số ca mắc bệnh phải nhập viện tăng cao, khoa Truyền nhiễm phải kê thêm 13 giường bệnh bên cạnh 50 giường chỉ tiêu. Nhiều bệnh nhân nặng, phải theo dõi sát, đòi hỏi các nhân viên y tế cũng căng mình theo dõi bệnh nhân, đề phòng bệnh trở nặng nhanh, sốc sốt xuất huyết dễ tử vong.