Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ). Lập tức, bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, ống thông dạ dày, ống thông bàng quang và chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết cho bệnh nhân.
Kết quả chụp cắt lớp CT Scanner cho thấy hình ảnh có ổ chảy máu nhu mô não nhân xám thần kinh trung ương phải, gây phù não xung quanh và đẩy lệch đường giữa sang trái, gây tràn máu vào hệ thống não thất.
Bác sĩ tiên lượng người bệnh bị đột quỵ thể xuất huyết não rất nặng, hội chẩn trực tuyến với chuyên gia, có chỉ định phẫu thuật mở sọ để giảm áp. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình bệnh nhân bày tỏ nguyện vọng ở lại trung tâm y tế huyện để điều trị, thay vì chuyển tuyến trên xử trí tiếp.
Sau 9 ngày điều trị tích cực bằng thở máy, dùng thuốc chống phù não, hạ áp và các thuốc hỗ trợ cầm máu, người bệnh được chụp lại CT Scanner sọ não, kết quả cho thấy ổ chảy máu ở nhu mô kích thước nhỏ lại có dấu hiệu hóa dịch. Cuộc hội chẩn liên khoa được tiến hành, thống nhất tiến hành mở canuyn khí quản để thông khí xuống phổi tốt hơn, giảm nguy cơ tắc đờm ở đường thở và khi cai máy thở sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn.
Sau mở canuyn 2 ngày, người bệnh cai được thở máy, phản xạ ho khạc tốt, tự thở được qua canuyn nội khí quản và tỉnh chậm. Tới ngày 5/7, sau 20 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, ngồi được xe lăn, đủ điều kiện xuất viện.
Kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 tại Việt Nam, ước tính hiện có khoảng 20,2 triệu người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp, với tỉ lệ mắc 26,2% (cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc).
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Minh Đức, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, cho biết tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Người có tiền sử tăng huyết áp, cộng thêm lạm dụng rượu bia, thuốc lá có nguy cơ dẫn đến đột quỵ não thể xuất huyết cao hơn so với người bệnh tăng huyết áp đơn thuần.
Người bị tăng huyết áp nếu uống quá nhiều rượu bia sẽ đẩy huyết áp tăng lên. Nguy hiểm hơn, rượu bia ngấm vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, gây loãng máu. Sự kết hợp giữa loãng máu và tăng huyết áp sẽ khiến cho những vi mạch trên não có thể bị vỡ, tình trạng loãng máu sẽ khiến xuất huyết não trầm trọng hơn.
"Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các dấu hiệu nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, khó thở… do uống rượu làm tăng gấp 5 lần nguy cơ tai biến mạch máu não, dễ dẫn đến thuyên tắc mạch", bác sĩ Đức cho biết.
Những người uống rượu bia khi nôn ói sẽ gây tăng áp lực nội sọ. Các trường hợp cao huyết áp, có dị dạng mạch máu, khi áp lực nội sọ tăng sẽ khiến vi mạch trong não và vị trí dị dạng bị vỡ.
Tuy nhiên, tình trạng đột quỵ trên những người sử dụng nhiều bia rượu thường dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với các biểu hiện say xỉn. Bệnh nhân mất thời gian "vàng" trong cấp cứu.
Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt uống rượu bia rất cao: 64% nam giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm (tương đương hơn 7% số ca tử vong do các bệnh lý).