Phạm vi di chuyển tiếp tục là một vấn đề đối với xe điện, bất chấp những phát triển của phương tiện này trong những năm qua.
Trong cuộc trao đổi với The Drive tại một sự kiện xe hơi đang diễn ra tại Mỹ, các giám đốc điều hành của Honda cho biết họ đã đặt mục tiêu giảm một nửa trọng lượng pin xe điện thông qua việc sử dụng công nghệ pin thể rắn.
Trả lời cho câu hỏi liên quan đến xu thế lắp thêm pin dung lượng lớn để gia tăng phạm vi di chuyển, Jay Joseph - Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Honda Mỹ cho biết: "Tại một số thời điểm, tăng kích thước pin cũng không giúp ích được điều gì vì nó sẽ đẩy bạn rơi vào vòng xoáy của chi phí, trọng lượng và kích thước của chiếc xe".
Do đó, vấn đề cần cải thiện phạm vi di chuyển và khả năng sử dụng của xe điện lúc này không phải tăng kích thước pin mà là giảm trọng lượng pin và giảm thời gian sạc. Pin thể rắn có khả năng sạc nhanh hơn các pin lithium-ion thông thường, một phần nhờ tính ổn định nhiệt vượt trội của loại pin này.
Trên thực tế, pin dung lượng lớn chưa chắc đã phải là vấn đề khiến nhiều người sử dụng lo lắng mà là thời gian sạc xe điện. Người dùng không nhất thiết cần một chiếc xe chạy được gần 1000 km nếu nó có thể sạc đầy trong khoảng thời gian ngắn.
Ông Jay Joseph chia sẻ: "Chúng tôi sẽ chứng minh rằng công nghệ pin thể rắn có khả năng giảm trọng lượng và tăng phạm vi hoạt động của xe điện".
Khi được hỏi pin thể rắn sẽ giảm được bao nhiêu trọng lượng, ông Shinji Aoyama - Phó Chủ tịch điều hành kiêm giám đốc điện khí hóa toàn cầu của Honda giải thích rằng nó sẽ giảm một nửa do mật độ năng lượng tăng thêm gấp đôi trong cùng một thể tích."
Một lợi ích khác của pin thể rắn là thời gian sản xuất. Pin Lithium-ion thông thường với chất điện phân lỏng cần phải chuẩn bị nhiều công đoạn sau đó mới được đưa vào xe. Trong khi pin thể rắn thì không cần như vậy, nó sản xuất nhanh nên sẽ rẻ hơn.
Tuy nhiên, các cơ sở chế tạo pin sẽ cần phải thay đổi để sản xuất loại pin thể rắn nên điều đó sẽ là tăng các khoản đầu tư ban đầu.
Honda hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm các mẫu pin thể rắn và dự kiến sẽ đưa vào sản xuất loại pin vào năm 2024. Nếu được như vậy, Honda sẽ vượt qua Toyota để trở thành hãng ô tô Nhật Bản đầu tiên áp dụng công nghệ pin này lên xe điện thương mại.
Dựa trên các phân tích, Honda trước mắt sẽ áp dụng công nghệ pin thể rắn lên những chiếc SUV chạy điện hiện tại của hãng. Đây là cách tiếp cận khả thi vì nó sẽ cho phép Honda tận dụng các nền tảng hiện có để đáp ứng công nghệ này một cách nhanh nhất. Điều quan trọng là công nghệ pin thể rắn sẽ giúp xe điện sạc nhanh hơn so với pin Lithium-ion hiện tại.
Vào đầu tháng 7/2023, Toyota cũng đã tuyên bố đạt được “bước đột phá về công nghệ” với loại pin thể rắn và cho biết sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt pin thể rắn để đưa lên xe thuần điện vào năm 2027 hoặc năm 2028. Điều này cho phép một chiếc xe điện chạy bằng pin thể rắn vận hành trong phạm vi 1.200 km sau mỗi lần sạc đầy, đồng thời thời gian sạc rút ngắn xuống 10 phút hoặc ít hơn.
Nhưng nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản cũng cho rằng không nhất thiết phải coi công nghệ này là “giải pháp tối ưu” cho các thách thức về pin. Thay vào đó, hãng sẽ phát triển song song 3 loại công nghệ pin xe điện với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu cũng như lựa chọn cho khách mua xe, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất.
Mặc dù mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu thử nghiệm nhưng pin thể rắn có thể sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” để các hãng xe ô tô Nhật bản thu hẹp khoảng cách với các đối thủ xe điện hàng đầu thế giới như Tesla hay BYD.
Không chỉ có các hãng ô tô Nhật, các ông lớn khác trong ngành công nghiệp ô tô của châu Âu và Mỹ như Volkswagen, BMW và Ford cũng đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đang phát triển công nghệ pin thể rắn để sẵn sàng đưa vào sản xuất hàng loạt.
Theo The Drive, Financial Times
Bạn có bình luận thế nào về góc nhìn trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!