Với nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo – giảng viên đàn Tỳ bà khoa Âm nhạc truyền thống của Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày của sự biết ơn những thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình.
Diệu Thảo trong phim 'Phía trước là bầu trời'
Từng gây thiện cảm khi vào vai Thảo trong phim 'Phía trước là bầu trời', tưởng sau đó chị sẽ theo đuổi nghiệp diễn nhưng rồi lại chọn con đường giảng dạy, lý do là gì?
Trở thành cô giáo là mơ ước của tôi từ những năm tháng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi luôn nhìn vào tấm gương của các thầy cô để cố gắng học thật giỏi chuyên môn, nuôi dưỡng đam mê.
Ước mơ trở thành sự thật khi tôi tốt nghiệp với kết quả tốt và được giữ lại trường giảng dạy, chính thức trở thành giảng viên chuyên ngành đàn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Người thầy nào có ảnh hưởng lớn nhất đối với chị?
Trong quá trình học tập và trưởng thành, tôi được học và chỉ bảo từ các thầy cô giỏi và yêu học trò. Đó là sự may mắn của tôi nhưng gắn bó sâu đậm nhất là NSND Mai Phương - người dìu dắt khi tôi mới là cô sinh viên bỡ ngỡ vào trường. Chúng tôi yêu quý cô tới độ thường gọi là "Mẹ Mai Phương", "U Phương".
Người thứ hai là NSƯT Kim Hạnh - cô giáo dìu dắt tôi trong suốt quãng thời gian dài học sơ cấp và trung cấp và cố NSND Hoàng Dương khi tôi học cao học.
Nghệ sĩ - giảng viên Vũ Diệu Thảo.
Điều gì khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất trong sự nghiệp nhà giáo?
Đó là được chứng kiến các thế hệ học trò dần lớn lên, trưởng thành và thành công. Thế hệ nối tiếp thế hệ, các em học sinh giống như hình ảnh phản chiếu của mình vậy. Còn gì tuyệt vời hơn nữa nhìn các em xuất hiện trên các sân khấu lớn, mang tiếng đàn Tỳ bà đến mọi miền Tổ quốc, xa hơn nữa là các quốc gia trên thế giới. Sự nghiệp “trồng người” thực sự có trái ngọt chính là hạnh phúc của Thảo.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với đám "học trò nhất quỷ nhì ma" của chị là gì?
Đó là cô học trò nhỏ tên Hoàng An. Một lần, mẹ dẫn đến lớp gặp xin học, lúc đó bạn ấy rất ngây ngô, mẹ bảo đi học thì đi thôi chứ cũng không biết gì về đàn Tỳ bà, cũng không biết hay dở ra sao. Tôi thấy bạn ấy có năng khiếu, tay đẹp và thuận lợi nên nhận dạy luôn, mà bạn ấy chăm chỉ lắm, thế nên tôi rất vui.
Đến kỳ thi tuyển sinh vào trường, tôi hướng dẫn hai mẹ đăng ký thi và rất hào hứng. Nhưng sát ngày thi, tôi chẳng thấy bạn ấy đến, cũng không thấy phản hồi gì của mẹ An. Tôi sốt ruột quá chủ động gọi, mẹ của An nói “con sợ, nhát nên con xin… thôi không thi nữa”.
Tôi phải thuyết phục nhiều ngày An mới đồng ý thi. Kết quả, An trở thành học sinh tài năng xuất sắc nhận được học bổng của trường, được tuyên dương và luôn trong top đầu học sinh xuất sắc của trường. Mỗi lần An gặp tôi, cô trò bé nhỏ đều tủm tỉm cười. Với người giáo viên, thế là đủ hạnh phúc.
Diệu Thảo bên các học trò của mình.
Vừa giảng dạy, vừa tham gia biểu diễn, chị làm thế nào cân bằng sự nghiêm túc của một nhà giáo với sự bay bổng của một nghệ sĩ?
Tôi là một cô giáo nghiêm khắc nhưng lớp học của tôi như một gia đình vậy. Cô trò “học là chính, vui là chủ yếu và yêu thương là vô bờ bến”. Tôi kích thích sự sáng tạo, cho các em mục tiêu trưởng thành, nên mỗi ngày đến lớp là một ngày vui.
Có những ngày tôi dạy thông trưa, không có cả thời gian nghỉ, phải tranh thủ mang cơm hộp ăn tạm để dành từng phút dạy các bạn nhỏ vì các bạn ấy xin cô “cho em học chuyên ngành xong còn tranh thủ đi học văn hóa, học tiếng Anh, học hoà tấu,…”.
Ở lĩnh vực biểu diễn, trường tôi tạo điều kiện cho giảng viên kiêm luôn nghệ sĩ nên rời vai trò là giảng viên, tôi là nghệ sĩ thực thụ, cháy hết với nghề, mê đắm với những ngón đàn trên sân khấu.
Diệu Thảo chơi đàn Tỳ bà "Để mị nói cho mà nghe":