Đó là chia sẻ của ông Hồ Chương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam tại buổi gặp gỡ giữa VinFast - GSM và hơn 50 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Việt Nam. Cuộc gặp có sự tham gia của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa diễn ra mới đây.
Với ông Chương, đây là quyết định không dễ dàng ở thời điểm đó. Song, ông tính toán, một chiếc Toyota Vios vận hành trong thành phố tiêu hao tới 1.750 đồng/km. Trong khi với xe điện VinFast, chi phí trung bình chỉ khoảng 600 đồng/km. Điều này đồng nghĩa, chỉ riêng chi phí năng lượng, xe điện đã tiết kiệm hơn xe xăng tới 60%.
Ngoài chi phí tiết kiệm, việc chuyển đổi sang xe điện cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh - sạch. Bởi thế, đây là hướng đi mang tính lâu dài và bền vững, ông nhấn mạnh.
Hiểu rõ nhất sự thay đổi sau khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, ông Nguyễn Ngọc Đồng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy (đơn vị vận hành hãng Lado Taxi) thừa nhận, chi phí sử dụng tiết kiệm hơn rất nhiều xe xăng.
Lãnh đạo Lado Taxi nhớ lại năm 2022, hãng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Sau một thời gian loay hoay tìm hướng đi mới, ông quyết định chọn xe điện để giữ thương hiệu cũng như giữ chân rất nhiều lao động của hãng với đội ngũ ban đầu là những chiếc VF e34.
Mọi thứ dần tốt lên và khởi sắc. Cái tên Lado gắn với dàn taxi điện ngày càng được người dân, du khách tìm tới nhiều hơn. “Bà con đáp xuống sân bay Liên Khương chỉ đi tìm xe điện”, ông Đồng chia sẻ. Cứ thế, doanh thu của hãng tăng lên, thu nhập của tài xế cũng được cải thiện rất nhiều.
Ông Đồng cho biết, hãng hiện đã chuyển đổi hơn 800 xe sang xe điện. Ông cam kết tới hết năm, Lado Taxi sẽ chuyển đổi sang taxi điện 100% với khoảng 1.100 xe.
Đã có đội ngũ 800 xe điện hoạt động ở 4-5 tỉnh và thành phố, ông Trần Bá Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Thắng cho hay, hết năm nay, đội ngũ này sẽ tăng lên 999 xe.
Theo ông Thắng, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh không chỉ giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người, mà còn góp phần giúp địa phương có thêm nền tảng xanh cũng như nhiều khoản thu để phát triển đất nước.
Tổng kết 3 giai đoạn của ngành vận tải Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc GSM Toàn cầu nêu rõ: Một là giai đoạn những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam như Grab, Uber. Hai là giai đoạn khó khăn khi cả thị trường gặp phải dịch bệnh. Thứ ba và cũng là giai đoạn hiện tại là “bão xanh”.
Ông Thanh tính toán, trong năm nay có khoảng 10 hãng vận tải chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Ông kỳ vọng con số này sẽ lên 40-50 hãng vào năm 2025. Qua đó giúp xe điện phủ xanh khắp các tỉnh, thành ở nước ta.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các hãng vận tải, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn đồng hành và là đối tác của các doanh nghiệp để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung.
Ông nhấn mạnh 2 mục tiêu lớn: xây dựng tương lai cho con em chúng ta, để các thế hệ sau có môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn và có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế.
“VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta”, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói.
Sáng 2/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới và việc ứng phó với biến đổi khí hậu vì phát triển xanh, ít phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược của nhân loại. Thủ tướng chỉ đạo loạt giải pháp cần thực hiện đối với các bộ ngành, trong đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan ngành Giao thông vận tải; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. |