Giải pháp ký số di động "Make in Vietnam" sẽ ra mắt thị trường giữa năm 2021
Lễ ký kết hợp tác phát triển giải pháp ký số di động “Make in Vietnam” giữa Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Phát (HPID) và Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ HPSI vừa diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp của VCDC về thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân chiều ngày 3/11 tại Hà Nội.
Công ty HPID là đối tác chính thức tại Việt Nam của Thales – hãng cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu thế giới hiện nay; còn Công ty HPSI là nhà phân phối của Ncipher và CrytomaThic cũng là hai hãng quốc tế chuyên cung cấp thiết bị và giải pháp bảo mật. Các hãng bảo mật lớn Thales, Ncipher và CrytomaThic đều có bề dày kinh nghiệm cung cấp phần cứng và hợp tác phát triển các giải pháp liên quan đến ký số di động và ký số từ xa.
Đại diện Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, Công ty HPID và Công ty HPSI ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giải pháp ký số di động "Make in Vietnam". |
Theo thỏa thuận hợp tác mới ký kết giữa VCDC và hai công ty HPID, HPSI, 3 bên sẽ hợp tác triển khai chữ ký số di động “Make in Vietnam” với các nội dung chính bao gồm: Phối hợp xây dựng, phát triển và triển khai các giải pháp phần mềm chữ ký số di động; Phối hợp cung cấp các thiết bị, giải pháp phục vụ triển khai chữ ký số di động; Phối hợp trong việc kiểm thử, đánh giá, hợp chuẩn các giải pháp phục vụ chữ ký số di động và chữ ký số cá nhân.
Dự kiến, giải pháp chữ ký số di động “Make in Vietnam” nhắm tới đối tượng người dùng cá nhân sẽ được hoàn thiện và cung cấp ra thị trường vào khoảng giữa năm 2021. Giải pháp được phát triển dựa trên cơ sở hợp tác 3 bên này được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh hơn quá trình triển khai chữ ký số cá nhân với giá thành hợp lý, giúp việc áp dụng chữ ký số cho các cá nhân, hộ kinh doanh được khả thi và sớm đưa vào thực tế.
Chia sẻ thêm về lý do hợp tác với các đối tác để phát triển giải pháp ký số di động “Make in Vietnam”, ông Phùng Huy Tâm, Phó Chủ nhiệm VCDC nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chữ ký số chính là công cụ đắc lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cơ hội mở rộng thị trường chữ ký số cá nhân
Trong khi thị trường chữ ký số doanh nghiệp đã dần ổn định, mảng chữ ký số cá nhân mới được triển khai khiêm tốn với khoảng 10%. Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ được Chính phủ ban hành ngày 19/10 vừa qua đã quy định rõ đối với cá nhân dùng hóa đơn điện tử phải áp dụng chữ ký số: “...trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân hoặc người được ủy quyền” (Khoản 7 Điều 10 của Nghị định 123/2020). Quy định này được đánh giá giúp mở rộng thị trường chữ ký số sang đối tượng hộ kinh doanh.
“Chúng tôi đã và sẽ tích cực xây dựng giải pháp có tính ứng dụng cao, đảm bảo pháp lý và hợp chuẩn quốc tế để thúc đẩy việc triển khai chữ ký số cá nhân trong thời gian tới”, đại diện VCDC cho biết.
Chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ nhiệm VCDC tin tưởng rằng giải pháp chữ ký số cá nhân dự kiến được cung cấp ra thị trường khoảng giữa năm 2021 không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người dùng mà còn giải quyết bài toán về đảm bảo an toàn cho các giao dịch số.
“Giải pháp chữ ký số di động “Make in Vietnam” do chúng ta làm chủ về công nghệ lõi, sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Chính phủ điện tử. Chúng tôi tin rằng việc triển khai sẽ được đẩy nhanh nhờ sự chung tay giữa các đơn vị CA và hợp tác với đối tác uy tín trên thế giới”, ông Tuấn Anh nói.
Đại diện đối tác, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty HPID cho hay: “Chúng tôi đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Thông qua hợp tác này, chúng tôi mong muốn góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số cá nhân giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch điện tử”.
Ông Kiệt cũng cho rằng, giải pháp chữ ký số di động “Make in Vietnam” được chính thức cung cấp sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Theo hình dung của ông, khi đó các quy trình sẽ được xử lý hoàn toàn tự động, hóa đơn sẽ được phát hành và ký số hàng loạt; việc phê duyệt, xử lý văn bản cũng được thực hiện hoàn toàn từ xa. Các giới hạn, rào cản về khoảng cách địa lý hay thời gian sẽ bị xóa bỏ. “Điều đó rõ ràng rất thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam”, ông Kiệt chia sẻ.
Vân Anh
Chữ ký số: Bước khởi đầu cần thiết cho các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số
Trên cơ sở phân tích những lợi ích của chữ ký số, đại diện NEAC kiến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi số bằng cách áp dụng chữ ký số trong quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng.