Hợp tác xã (HTX) kiểu mới là thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm. Người đứng đầu HTX ngoài kiến thức, kỹ năng của doanh nhân phải có một trái tim cống hiến.
Nhiều người vẫn nghĩ HTX là xưa cũ
Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay, hiện nay 12% dân số trên thế giới là thành viên trong hơn 3 triệu HTX, đóng góp 10% GDP của thế giới. Các HTX cung cấp việc làm cho 280 triệu người trên toàn cầu.
Theo báo cáo Giám sát HTX Thế giới, top 300 HTX và tổ chức tương hỗ lớn nhất toàn cầu đạt tổng doanh thu 2.146 tỷ USD.
Ở Việt Nam, tính đến hết năm 2021, cả nước có hơn 29.000 HTX, thu hút 6,9 triệu thành viên là hộ gia đình với tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản của các HTX lên tới 187,75 nghìn tỷ đồng.
Ước tính năm 2022, doanh thu của HTX tăng bình quân 5,6% so với năm 2021. Nhiều mô hình HTX liên kết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, phần lớn HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp khó khăn về vốn, áp dụng công nghệ, thị trường, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao,...
Tại Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới chiều 8/11, ông Lê Hải Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, lâu nay khi nói về HTX, nhiều người nghĩ ngay đến những hình ảnh xưa cũ.
Nhưng ngày nay, ở các nước phát triển hàng đầu trên thế giới, HTX vẫn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng chứ không phải là một khái niệm lỗi thời. Ví như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, 98% nông dân vào HTX; ở Đức, HTX cũng rất quan trọng.
Ông nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường, xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 14.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX. Năm 2045, phấn đấu thu hút 20% dân số tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể của Việt Nam lọt vào top 300 HTX lớn nhất thế giới do Liên minh HTX quốc tế công nhận. Theo ông Bình, đây cũng là tham vọng giống như chúng ta có tập đoàn lọt top 300 tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Liên kết để phát huy sức mạnh
Đồng quan điểm, ông Bùi Trường Giang - nhóm nghiên cứu Hội đồng Lý luận Trung ương - cho hay phong trào phát triển HTX trên thế giới rất sôi động.
Theo ông, không phải bất cứ ai cũng có thể thành lập doanh nghiệp. Nước ta có nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ lẻ nên phải liên kết lại mới có thể làm ăn lớn. Do vậy, phát triển theo mô hình tổ hợp tác, HTX là phù hợp.
Song ông lưu ý, các HTX phải liên kết được với những thành phần kinh tế khác để phát huy hết sức mạnh. Chẳng hạn, HTX liên kết với doanh nghiệp để trở thành hệ sinh thái của họ.
Đề cập tới vấn đề tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - chia sẻ trải nghiệm của mình khi thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng của các HTX tại khu trưng bày. Bản thân ông thấy bất ngờ về sự phát triển của các HTX.
“Song, tôi cũng thấy rất nhiều sản phẩm với những cái tên xa lạ dù quy cách đóng gói hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông nhận xét. Nhiều HTX làm ra những sản phẩm tốt nhưng chưa tiếp cận được thị trường, thương hiệu chưa được nhận diện do vấn đề truyền thông.
Theo ông, báo chí trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân - HTX - doanh nghiệp tìm đến với nhau.