Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 314 hợp tác xã nông, lâm nghiệp. Các hợp tác xã ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều hợp tác xã là đầu mối tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Năm 2020, Hợp tác xã Gà đồi Thái Thuỷ, xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ được thành lập và đi vào hoạt động. Hợp tác xã có 3 trại nuôi tập trung gà kiến, gà lai chọi với khoảng 6.000 con/lứa và các hộ thành viên nuôi trong vườn nhà khoảng 7.000 con/lứa.  

W-hoptacxa.jpg
Năm 2020, Hợp tác xã Gà đồi Thái Thuỷ, xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ được thành lập và đi vào hoạt động. 

Bằng việc mua chung giống, thức ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cùng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hợp tác xã bước đầu khẳng định được vai trò dẫn dắt trong hoạt động chăn nuôi của các hộ thành viên.

Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã xây dựng lò mổ, mua sắm máy hút chân không, tủ bảo quản gà thành phẩm bán ra thị trường nhằm tạo việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị và an toàn vệ sinh. 

Thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô, kết nạp thêm thành viên, phấn đấu nâng tổng số đàn gà lên 20.000 con/lứa theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn quốc và đang hoàn thiện các thủ tục để tham gia Chương trình OCOP năm 2024.

Cũng tại huyện Lệ Thuỷ, năm 2022, UBND xã Trường Thuỷ đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Trường Thủy nhằm hướng tới áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả. Đồng thời, chịu trách nhiệm xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, hoàn thành các thủ tục để đưa các sản phẩm cam của địa phương vào chuỗi siêu thị, cửa hàng sạch trong và ngoài tỉnh.

Theo Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Trường Thủy, hiện hợp tác xã đã kết nạp được 10 hộ thành viên, liên kết hơn 5ha cam các loại. Ngoài giống cam chanh Hà Tĩnh, xã đang khuyến khích người dân trồng và nhân rộng giống cam V2 vì có nhiều đặc tính ưu việt, ngọt đậm, thơm, màu vàng đẹp, khả năng ra hoa đậu quả cao. Ngoài ra, thu hoạch trúng vào dịp Tết nên sẽ cho lợi nhuận cao hơn các loại cam khác. 

Cùng với cam mật Hiền Ninh, cam chanh Hà Tĩnh, cam V2 cũng là một trong những giống cam được địa phương chọn để xây dựng sản phẩm OCOP, hướng tới xây dựng thương hiệu cam Trường Thủy.

Còn ở thôn Đại Phong, xã Phong Thuỷ hiện có Hợp tác xã Xay xát, chế biến lúa gạo Nga Hoàng. Hợp tác xã đã đẩy mạnh dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng nhà kho, máy xay xát, băng chuyền tải gạo, máy đóng gói… nhằm giúp các thành viên tiêu thụ lúa ngay từ đầu vụ, tránh tư thương ép giá và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.

Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng nhãn hiệu "Gạo sạch Nga Hoàng" từ giống lúa tái sinh để bán ra thị trường, đem lại lợi nhuận cho người dân và hợp tác xã. Đặc biệt, hợp tác xã đã liên kết, hợp đồng với 5 doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ ổn định lúa cho bà con nông dân với sản lượng trên 2.000 tấn/vụ.

Năm 2022, gạo sạch Nga Hoàng đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao sản lượng nhằm đưa sản phẩm gạo tới khắp các địa phương trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế. Các hợp tác xã từng bước tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. 

Đặc biệt, một số hợp tác xã đã tích cực tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với nhiều sản phẩm OCOP được công nhận. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, hình thành và duy trì mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 60 hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, 50 hợp tác xã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, có sức lan tỏa ra cộng đồng. Đặc biệt, có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, 63 sản phẩm OCOP 3 sao của 20 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. 

Tổng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã là hơn 713 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Hải Sâm