Việc HP quyết định tách thành 2 công ty thật sự không phải là một chuyện nhỏ. Nó là một cột mốc lịch sử cho các công ty công nghệ đang hoạt động tại Thung lũng Silicon nói chung và với HP nói riêng. Tuy nhiên đây chỉ là chương mới nhất trong cuộc đời đầy thăng trầm kéo dài 75 năm mà thôi, trước đó HP còn rất nhiều dấu mốc khác nữa. Trong bài viết này, các bạn sẽ được hiểu thêm về những khoảnh khắc đáng chú ý nhất của hãng, từ bước khởi đầu khiêm tốn trong garage đến thời PC bùng nổ, sự kiện mua lại webOS và hơn thế nữa.

HP do hai người sáng lập nên: Bill Hewlett và David Packard. Cũng chính vì thế mà hãng mới có cái tên như ngày hôm nay - Hewlett Packard. Hai ông đã mở một cái xưởng nhỏ trong garage tại nhà của Packard ở thành phố Palo Alto, bang California vào ngày 1/1/1939. Sản phẩm đầu tiên của HP là bộ dao động âm tần HP200A chuyên dùng để kiểm tra các thiết bị âm thanh. Thiết bị này sử dụng bóng đèn làm điện trở và có giá bán chỉ 54$ trong khi các lựa chọn khác trên thị trường lúc đó phải lên đến hơn 200$.

Có thể bạn thắc mắc tại sao sản phẩm đầu tiên lại có mã là 200A chứ không phải là 01 hay 00? Cái tên này được chọn để tạo ấn tượng cho người dùng rằng HP là một công ty đã thành lập từ lâu, một "tuyệt chiêu" rất thú vị. Walt Disney đã mua 8 cái và xài chúng trong quá trình sản xuất phim Fantasia.

Tuy nhiên, danh tiếng của HP không nổi lên nhanh trong Thung lũng Silion. Trong 30 năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng chủ yếu chế tạo ác thiết bị kiểm tra và đo lường. Phải đến khoảng năm 1960 thì một bộ phận gọi là HP Associates mới bắt đầu phát triển thiết bị bán dẫn dùng trong nội bộ, và đến 1966 thì công ty mới bước vào thị trường máy tính với hai mẫu minicomputer HP 1000 / 2100 dành cho doanh nghiệp.

Đối với nhiều người, sản phẩm mang tính biểu tượng của HP chính là chiếc máy tính khoa học bỏ túi HP-35 ra đời năm 1972. Thiết bị này mang những bàn tính khổng lồ có kích cỡ to như một cái bàn vào lòng bàn tay của người dùng, và nó đã gây ra một hiệu ứng mạnh trên thị trường: hơn 100.000 chiếc HP-35 đã được bán trong năm đầu tiên. Trong những năm sau đó, công ty tiếp tục theo đuổi thị trường máy tính bỏ túi và hiện nay nhiều người vẫn còn ưa chuộng sử dụng dòng sản phẩm này.

Bạn có thấy hiện nay nhắc đến máy in thì nhiều người nghĩ ngay đến HP hay không? Đó là bởi vì hãng bước vào thị trường này từ rất sớm. Chiếc HP ThinkJet ra đời năm 1984 là một trong số các máy in phun đầu tiên trên thế giới có giá bán hợp lý, còn chiếc LaserJet ra mắt cùng năm là máy in laser để bàn đầu tiên. Những sản phẩm này đã giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ thoát khỏi thế giới của máy in kim, và sự thành công của các phiên bản kế nhiệm đã liên tục nhận được sự chú ý của các công ty, tổ chức.

Tháng 3 năm 1986, HP đăng kí tên miền HP.com, và đây là tên miền .com thứ 9 được đăng kí trên toàn cầu.

HP ra mắt chiếc máy tính cá nhân đầu tiên hồi năm 1968, và hãng gọi nó là một cái "desktop calculator". Như lời Bill Hewlett thì "nếu chúng tôi gọi 9100A là computer, nó đã bị những chuyên gia máy tính từ chối bởi nó trông không giống một máy IBM. Thế rồi chúng tôi quyết định sẽ gọi nó là một cái calculator, và tất cả mọi chuyện vô lý đều biến mất". Sản phẩm này sử dụng mạch logic mà không có một con IC nào, ngoài ra 9100A còn sở hữu màn hình CRT, bộ nhớ sử dụng các thẻ từ, có cả máy in và giá bán khoảng 5000$. Bàn phím của sản phẩm là một sự pha trộn giữa máy tính khoa học và một máy làm toán cộng. Trên đó không có kí tự alphabe nào cả.

Vào những năm 1980, HP bắt đầu gây được tiếng vang trong thị trường PC với chiếc HP 2640. Mẫu PC này không có cấu hình "khủng", tuy nhiên nó có giá tương đối thấp thời bấy giờ (2759$), kèm theo đó là máy in và màn hình CRT. Kể từ đó việc kinh doanh máy tính của công ty dần đi lên, nhất là khi HP giới thiệu những chiếc PC hướng đến đối tượng khách hàng chính là các hộ gia đình (như chiếc Pavilion 5030 hồi năm 1995).

Bên cạnh đó, lịch sử trong ngành máy tính của HP còn được định nghĩa bởi một sai lầm trông có vẻ bình thường nhưng về sau lại rất nguy hiểm. Steve Wozniak, đồng sáng lập hãng Apple, khi đó làm việc cho HP và ông đang phát triển một chiếc PC giá rẻ với sự trợ giúp của Steve Jobs. Wozniak đưa sản phẩm của mình lên cho sếp, nhưng lúc đó sếp đã bác bỏ ý tưởng bởi nó không phù hợp với nhóm khách hàng cao cấp của HP. Thế rồi Wozniak và Jobs thành lập nên Apple rồi ra mắt chiếc PC đầu tiên của họ dựa trên chính thiết kế từng bị HP khước từ. Nếu ngày ấy HP chấp thuận sản phẩm của Wozniak thì rất có khả năng Apple đã không bao giờ xuất hiện trên đời.

HP tiến hóa rất nhanh. Đến năm 1999, tất cả mọi ngành hàng không liên quan đến máy tính, lưu trữ và hình ảnh được tách khỏi HP để về với công ty con mang tên Agilent Technologies. Đơn vị này đã sản xuất ra chiếc PDA đầu tiên, chiếc Jornada 420. Một thời gian ngắn sau Carly Fiorina được chỉ định làm CEO của hãng. Bà đã mua lại Compaq vào năm 2001 và biến HP trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất toàn cầu. Thành công vang dội của dòng máy PDA iPAQ cũng thuộc thời của Fiorina.​
Mặc dù vậy, Fiorina cũng đưa ra nhiều quyết định dẫn đến sự khủng hoảng cho công ty. HP mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực PC vào năm 2003, nhân viên bị sa thải nhiều trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Hãng thậm chí còn phải đi bán chiếc iPod của Apple với logo HP gắn trên lưng máy. Không thể chịu được cảnh này, hội đồng quản trị của công ty đã yêu cầu Fiorina từ chức vào tháng 2 năm 2005.
 
Tên tuổi của HP không chỉ gắn liền với các sản phẩm tốt mà còn dính đến một vụ scandal lớn về quyền riêng tư. Năm 2006, dưới sự chỉ đạo của nữ chủ tịch Patricia Dunn, luật sư của HP đã thuê một nhóm các chuyên gia độc lập nhằm phát hiện ra nguồn làm rò rỉ thông tin liên quan đến chiến lược dài hạn của công ty. Một số thành viên khác trong hội đồng quản trị cùng các nhà báo từ nhiều hãng thông tấn nổi tiếng đã nằm trong "danh sách" của những chuyên gia.
Lúc đó, các chuyên gia này lại đi thuê thêm một số nhà điều tra bên ngoài, và họ đã mạo nhận làm những đối tượng nghi vấn hòng có được các đoạn ghi âm điện thoại cá nhân. Sự kiện khi bị phát hiện đã gây chấn động cho cả bang California. Tòa án sau đó đã không còn buộc tội Dunn, tuy nhiên bà vẫn chọn con đường từ chức để tránh làm ảnh hưởng đến HP.

Trong một thời gian ngắn, HP dường như đã quay trở lại con đường ổn định và thành công nhờ vào CEO Mark Hurd, người thay thế cho Fiorina. Hãng lấy lại vị trí dẫn đầu trong mảng PC, thống trị thị trường máy in và liên tục cải thiện doanh thu mặc cho suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đó là chính sách cắt giảm chi phí của Hurd đã khiến nhân tài rời bỏ HP, trong khi việc nghiên cứu và phát triển không được thúc đẩy. Đến tháng 8/2010, ông bị buộc phải rời bỏ chiếc ghế của mình sau cáo buộc quấy rối tình dục và gian lận trong chi tiết. Đây là lần thứ 3 một vụ từ chức lớn diễn ra tại công ty trong vòng 5 năm. Hurd cũng là người đã đồng ý cho HP mua lại Palm, bước đi đánh dấu sự chuyển biến của HP theo hướng di động.
Giấc mơ của HP khi mua lại Palm đó là đưa webOS lên nhiều thiết bị hơn chứ không chỉ là smartphone, đồng thời tạo ra một thế giới có máy tính, máy in và tablet hướng theo nền web. Nền tảng này cũng được cho là sẽ giúp HP chiến đấu với các ngôi sang đang lên thời bấy giờ là Apple và Google. Sự ra đi của CEO Hurd không làm cho tham vọng này sụp đổ, và dưới thời CEO Leo Apotheker thì những người tài giỏi như cựu CEO Jon Rubinstein vẫn còn làm việc cho HP.

Đáng tiếc, sự lạc quan không được kéo dài. Apotheker đã ra mắt ba thiết bị chạy webOS vào tháng 2/2011 là Pre 3, Veer và TouchPad. Tuy nhiên, các sản phẩm đã không thành công. Vào tháng 8/2011, Apotheker ra quyết định dừng toàn bộ việc kinh doanh webOS, cả phần cứng lẫn phần mềm, kéo theo đó là một trong những đợt thay đổi cấu trúc lớn nhất trong lịch sử công ty. Chỉ trong một ngày, vị CEO này đã khai tử tất cả thiết bị chạy webOS, đề ra kế hoạch tách mảng PC và tuyên bố chuẩn bị mua lại công ty phần mềm đa quốc gia Autonomy nhằm đưa HP tiến sân hơn vào thị trường doanh nghiệp.
Những quyết định nói trên đã làm cho hội đồng quản trị của HP lẫn các cổ đông của công ty lo lắng. Họ e ngại Apotheker đã đi sai đường, và cũng có thể đã mua lại Autonomy với giá đắt hơn thực tế hàng tỉ USD. Apotheker rời khỏi chiếc ghế CEO và được thế bởi Meg Whitman. Tuy nhiên, lúc đó thì mọi chuyện đã rồi: webOS trở thành một dự án nguồn mở để rồi về tay LG, nhiều nhân tài cũng không còn bám trụ lại HP. Hãng cũng không có một kế hoạch cụ thể nào về mảng di động trong bối cảnh thị trường này là cực kì quan trọng.

Nếu như Apotheker muốn đẩy mảng di động ra xa thì Whitman lại muốn làm ngược lại. Dưới thời của bà, HP đã cho ra mắt nhiều điện thoại và máy tính bảng Android, ngay cả các máy tính xách tay của công ty cũng có ảnh hưởng của thế giới mobile. Sau nhiều năm chật vật trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục, HP dường như đang từ từ lấy lại phong độ của mình. Bộ phận PC và mobile của HP đã có doanh thu khá ổn trong khi các đối thủ làm ăn không được như mong đợi trong mùa hè vừa rồi.
Đến tháng 10/2014, HP đã cho biết kế hoạch tách thành hai công ty riêng biệt và giao dịch độc lập, đồng thời sa thải thêm 5.000 nhân viên. Công ty thứ nhất có tên Hewlett-Packard Enterprise, do CEO hiện tại là Margaret Whitman lãnh đạo, sẽ tập trung phát triển các sản phẩm doanh nghiệp, bao gồm: phần cứng, phần mềm và các dịch vụ. Công ty thứ hai có tên HP Inc, sẽ tập trung vào mảng PC và các sản phẩm in ấn. HP Inc sẽ sử dụng logo HP và được Phó Giám đốc điều hành hiện tại của HP là Dion Weisler dẫn dắt.

Whitman cho biết: "Kế hoạch tách thành 2 công ty dẫn đầu thị trường sẽ tăng cường cam kết kế hoạch "xoay vòng" của chúng tôi. Nó mang đến cho mỗi công ty sự độc lập, mục tiêu, nguồn lực tài chính và sự linh hoạt cần thiết để thích hợp nhanh chóng với thị trường và những khách hàng trẻ trung năng động trong khi tạo ra giá trị thặng dư dài hạn luân chuyển giữa các cổ đông. Trong ngắn hạn, việc tách đôi công ty hiện tại sẽ tạo nên thành công cho kế hoạch "xoay vòng". Chúng tôi sẽ có vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, hỗ trợ khách hàng và các đối tác tốt hơn, cung cấp giá trị tối đa cho các cổ đông."​