Người đàn ông 32 tuổi (trú tại Hà Nội) làm huấn luyện viên thể hình được đưa vào Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu với cơn đau tức ngực dữ dội, kéo dài 10-15 phút, khó thở, vã mồ hôi.

Bác sĩ Đàm Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, cho biết khi tiếp nhận, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ nhanh chóng chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp động mạch vành, phát hiện huyết khối làm hẹp khít động mạch liên thất trước và chẩn đoán nhồi máu cơ tim.

cap cuu 231.png
Nam bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Sơn, nhồi máu cơ tim là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, từ 90-95% số ca tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ở mỗi giai đoạn, bệnh sẽ tiến triển theo các mức độ khác nhau và tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Ngoài ra, bác sĩ Sơn cũng cảnh báo tập luyện thể dục thể thao rất có lợi cho sức khỏe nhưng quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nguy hiểm. Do vậy, những người thường xuyên luyện tập, nhất là các hoạt động thể lực gắng sức cần thường xuyên thăm khám nhằm tầm soát các nguy cơ về tim mạch. 

Khi bạn tập luyện cường độ cao, tim đập nhanh, bơm máu mạnh hơn, cần nhiều oxy hơn bình thường. Người bệnh mạch vành do xơ vữa mạch máu, khi có áp lực lên thành mạch có thể làm bong tróc mảng xơ vữa trôi trong lòng mạch rồi dừng ở tim, não gây tắc nghẽn những mạch máu này, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Với người có bệnh tim tiềm ẩn, vận động quá sức dễ ảnh hưởng đến cơ tim khiến tim đập nhanh và hoạt động co bóp của tim hỗn loạn.

Với bệnh nhân trên, bác sĩ Sơn cho biết nếu có ý định luyện tập trở lại cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh những bài tập cường độ cao; cần có lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa tái phát.