Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ, Huawei bắt đầu sản xuất chip vào năm 2022 và được chính phủ Trung Quốc tài trợ khoảng 30 tỷ USD. Tổ chức này cũng tố Huawei đã mua ít nhất hai nhà máy chip và đang xây dựng thêm ba cơ sở khác trong nước.
Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu năm 2019 do lo ngại bảo mật. Mỹ cấm hầu hết các nhà cung ứng bán hàng hóa và công nghệ cho những cái tên có trong danh sách nếu không có giấy phép.
Theo Bloomberg, nếu Huawei đang xây nhà máy chip dưới tên của doanh nghiệp khác như Hiệp hội công nghiệp bán dẫn cáo buộc, hãng có thể lách lệnh cấm vận của Mỹ để gián tiếp mua thiết bị sản xuất chip Mỹ.
Từ năm 2019 tới nay, Mỹ tiếp tục siết kiểm soát xuất khẩu để chặn đứng khả năng mua hoặc thiết kế bán dẫn dùng trong hầu hết sản phẩm của Huawei. Chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc và ảnh hưởng công nghệ của nước này.
Đầu tháng 8/2023, ông Biden ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định vào công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc và yêu cầu thông báo cho nhà chức trách đối với việc đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ khác.
Sắc lệnh cấm hoặc hạn chế Mỹ đầu tư vào pháp nhân Trung Quốc trong ba lĩnh vực: Bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trong thư gửi Quốc hội, Tổng thống Biden cho biết ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với nguy cơ từ những quốc gia như Trung Quốc trong “công nghệ và sản phẩm nhạy cảm, quan trọng với quân đội, tình báo, giám sát hoặc năng lực mạng”.
Tháng 8/2022, ông phê duyệt Chips Act, chương trình đầu tư 50 tỷ USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất bán dẫn Mỹ, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực được xem là nền tảng của mọi thứ, từ xe hơi đến thiết bị gia dụng, hệ thống quốc phòng.
Nhà Trắng lưu ý trong một báo cáo: Mỹ sản xuất khoảng 10% bán dẫn thế giới và không có chip tiên tiến nào. Thay vào đó, Mỹ phải dựa vào châu Á cho 75% hoạt động sản xuất.
(Theo The Guardian)