Huế chìm trong biển nước nhìn từ bầu trời
Đại Nội, sân vận động Tự Do, chợ Đông Ba, ngã 6 trung tâm thành phố Huế, phố cổ Bao Vinh... (Thừa Thiên Huế) đều bị chìm trong nước cả ngày 15/10 do ảnh hưởng của mưa lớn và các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ.
Mưa lớn kết hợp thuỷ điện xả lũ khiến nước dâng cao trên diện rộng trong đêm 14 và sáng 15/10 ở TT-Huế. Đến trưa nay, nhiều nhà dân ở TP Huế vẫn ngập sâu, các tuyến đường bị chia cắt.
Nước sông lên cao kết hợp cùng mưa lớn đã gây ngập trên diện rộng. Trong ảnh là khu vực sông Như Ý.
Người dân cho rằng đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khi nước rút quá chậm. TP Huế và các huyện thị vùng ven mưa ngớt hạt ngay từ sáng nhưng do các hồ thủy lợi và thủy điện đồng loạt xả lũ để đưa về mực nước an toàn, nhiều khu dân cư thấp trũng tại các địa phương này bị ngập sâu.
Sân vận động Tự Do lúc 9h ngày 15/10.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế thống kê, do nước sông lên cao kết hợp cường suất mưa lớn, toàn tỉnh có khoảng gần 20.000 ngôi nhà dân bị ngập với độ sâu từ 0,3 – 0,8m tuỳ khu vực. Ảnh: Hiếu Trương.
Nhiều người phải di dời khẩn cấp. Trong ảnh là khu vực chợ Đông Ba, bị nước quây kín từ mặt trước ra mặt sau.
Nhà thờ Dòng Chúa cứu thế như một con tàu nổi lênh đênh. Thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập, nước lụt chia cắt. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,4-0,6m.
Các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa... ngập bình quân 0,3-0,5m. Trong ảnh, khu vực Đại Nội bị ngập toàn bộ phía bên ngoài.
Ngã 6 Vincom, khu vực được cho là cao ráo nhất của Huế cũng chìm trong biển nước.
Đường Bà Triệu và nhiều tuyến đường khác tại trung tâm thành phố Huế đều bị ngập sâu.
Cầu Trường Tiền, mặt nước sông Hương chỉ còn cách nền đường gần 2m.
Phố cổ Bao Vinh "đến hẹn lại lên". Người dân không thể nhớ đây là lần thứ bao nhiêu nơi này chìm trong biển nước.
Công điện của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác ứng phó với mưa lũ; tăng cường tuyên truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong và sau lũ.
Công điện cũng yêu cầu nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ, đầm phá; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn, đảm bảo an toàn giao thông. Trong ảnh, cung An Định nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Hiếu Trương.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca đi vào Đà Nẵng - Quảng Nam rạng sáng nay, hoàn lưu trước và trong bão gây mưa diện rộng từ Quảng Trị tới Quảng Nam. Trong đó tâm mưa là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Từ 0h ngày 14/10 đến 3h ngày 15/10, lượng mưa trung bình ở Thừa Thiên Huế 400-550 mm, một số nơi cao hơn như: Thủy Yên 735 mm; Khe Tre 710 mm, Lộc Tiến 620 mm, Hương Sơn 590 mm, Truồi 560 mm..., gây ngập cục bộ TP Huế và vùng phụ cận.
Nguyễn Phong