Mời quý độc giả theo dõi video:
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát mà không có điểm kết thúc, ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hùng Lô, TP. Việt Trì (Phú Thọ) không ngừng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng Hùng Lô đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5km. Quần thể di tích lịch sử văn hóa đình Hùng Lô (đình Xốm) được xây dựng trên dải đất rộng 5.000m2.
Điều đặc biệt là các di sản như nhà cổ, đình làng, ao làng, lỹ tre xanh bao bọc làng vẫn được người dân bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay. Kể từ khi được đưa vào phục vụ tham quan, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, du khách đặt lịch đến thăm đình Hùng Lô còn được phục vụ hát Xoan ngay tại cửa đình.
Bên cạnh đó, du khách còn được hòa mình với điệu Mó cá trong hát Xoan. Theo đó, các trai làng vây vòng quanh giả làm cá, các cô gái đào Xoan vây vòng ngoài giả lưới. Khi nào bắt được con cá to dâng lên nhà vua thì cuộc vui mới kết thúc.
Trong hệ thống di sản phong phú, đa dạng vẫn được bà con làng Hùng Lô gìn giữ đến ngày nay là nghề gói bánh chưng truyền thống lối xưa.
Từ những đặc trưng, thế mạnh này, tỉnh Phú Thọ và chính quyền xã Hùng Lô ưu tiên phát triển du lịch nông thôn trong triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2023, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì” là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Hiện tại xã, một số gia đình kinh doanh du lịch homestay, cho khách tham quan kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống trong các ngôi nhà cổ của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Để sản phẩm du lịch cộng đồng Hùng Lô được lan tỏa, tỉnh và địa phương đã tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng Facebook, Zalo, Youtube; các thông tin, hình ảnh về dịch vụ du lịch cộng đồng được quảng bá tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh…
Địa phương được hỗ trợ xây dựng cổng làng, hệ thống biển chỉ dẫn điểm đến kết hợp quảng bá, hỗ trợ trưng bày và các trang thiết bị cho các hộ dân đón khách.
Bên cạnh các di sản văn hóa, xã Hùng Lô hiện có hai làng nghề truyền thống với doanh thu từ làng nghề đạt gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 150 lao động với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/ tháng. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 36,2 triệu đồng/năm.
Để tăng thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ xã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng làng nghề truyền thống. Trong đó xác định đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở các lớp để nghệ nhân truyền nghề cho lao động trẻ.
Việc phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được hình thành và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức trải nghiệm của khách du lịch.
Với những giải pháp đồng bộ, khoa học trong xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, phát huy vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng xã Hùng Lô đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng lộ trình.