Trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở phổ thông công lập, ở phần Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đều có phần “Nhiệm vụ”.
Nhiều giáo viên cho rằng có thể bị rớt hạng oan khi các đơn vị căn cứ vào phần "Nhiệm vụ" để bổ nhiệm, xếp hạng.
Chẳng hạn, đối với giáo viên tiểu học ở Thông tư 02, nếu yêu cầu “thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học” thì nhiều giáo viên khó đạt hạng II. Thực tế, một trường chỉ có khoảng 1-2 giáo viên cốt cán nên ngay ban giám hiệu, tổ trưởng cũng rất ít người là giáo viên cốt cán.
Để làm rõ điều này, mới đây, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) có Công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB về việc triển khai thực hiện các Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GD-ĐT.
Theo công văn, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.
Công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ). Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm. |
Công văn của Bộ GD-ĐT cũng đưa ra một trường hợp để ví dụ cho việc bổ nhiệm giáo viên THCS (thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Cụ thể, trường hợp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12), có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và bằng Đại học các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Giáo dục công dân, Quản lý giáo dục (ngoài sư phạm) phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành thì mới đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên THCS hạng III.
Hiện, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT. Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương cử giáo viên tham gia bồi dưỡng bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Khi tham gia bồi dưỡng, cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng sẽ thành lập hội đồng công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập các học phần đã học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp bằng hoặc chứng chỉ, kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của học viên để xem xét miễn các học phần tương ứng trong chương trình bồi dưỡng.
Thanh Hùng
Viên chức chỉ còn 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ ngành quy định chung 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây.
Kiến nghị sửa quy định bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên
Nhiều giáo viên trên cả nước đang rất ngóng đợi những sự thay đổi ở chùm thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.