Hút thuốc lá một cách có kiểm soát, nghĩa là chỉ hút trong hoàn cảnh xã hội (chẳng hạn như khi được mời, vì nể bạn bè), hút ít, giảm số lượng và không thường xuyên đang được nhiều người cho là “an toàn”, đặc biệt trong bối cảnh những người hút cả bao thuốc lá mỗi ngày hoặc nhiều hơn.
Tuy nhiên, sự thật là không có một giới hạn an toàn nào cho thuốc lá. Nghĩa là cho dù một người hút thuốc có cố gắng cắt giảm đến đâu, hít vào một lượng dù nhỏ khói thuốc cũng gây hại cho sức khỏe.
Bằng chứng từ một nghiên cứu lớn trên tạp chí The BMJ cho thấy: Hút thuốc. dù chỉ một điếu/ngày, có thể làm tăng mạnh nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ. Giảm mức tiêu thụ từ 1 bao (20 điếu) mỗi ngày, xuống 1 điếu/ngày không có nghĩa là giảm được 20 lần nguy cơ bệnh tật.
Các nhà khoa học cho biết, tốt nhất bạn cần bỏ hẳn thuốc lá.
Nghiên cứu mới tổng hợp dữ liệu từ 141 nghiên cứu trước đây về thuốc lá, đã được xuất bản ở 21 quốc gia từ năm 1946 đến năm 2015. Quy mô mẫu của nó lên tới 13 triệu người hút thuốc, những người ở thời điểm nghiên cứu vẫn đang khỏe mạnh. Các nhà khoa học muốn biết có bao nhiêu trong số này sau đó sẽ phát triển bệnh tim mạch và đột quỵ.
Kết quả cho thấy những người đàn ông hút 1 điếu thuốc/ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 48% và nguy cơ đột quỵ cao hơn 25% so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Đối với phụ nữ, con số thậm chí còn cao hơn, với nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ lần lượt tăng 57% và 31%.
Khi các nhà khoa học sàng lọc được các yếu tố gây nhiễu, chẳng hạn như tuổi tác, nguy cơ thậm chí còn cao hơn nữa. Đối với nam giới, hút 1 điếu thuốc/ngày làm tăng 74% và 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Đối với phụ nữ, tỷ lệ này là 119% và 46%.
Những con số này đã đập tan suy nghĩ giảm dần số lượng thuốc lá tiêu thụ là một phương pháp an toàn. Cảm quan của người hút thuốc, thậm chí cả các chuyên gia y tế đã bị đánh lừa, nếu họ tin vào điều đó.
Để đưa ra bằng chứng, Giáo sư Allan Hackshaw đến từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Anh Quốc đã ước tính nguy cơ tương đối của việc hút 1, 5, và 20 điếu thuốc mỗi ngày. Theo cảm quan, người hút 1 điếu thuốc/ngày sẽ giảm được 20 lần nguy cơ so với người hút 1 bao (20 điếu). Điều này đúng trong trường hợp ung thư phổi, nhưng với bệnh tim mạch và đột quỵ thì không.
Theo đó, những người chỉ hút 1 điếu thuốc mỗi ngày vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim và đột qụy bằng 53% và 64% so với người hút 1 bao/ngày. Đối với phụ nữ, hút 1 điếu thuốc mỗi ngày có 38% nguy cơ mắc bệnh tim và 36% nguy cơ đột quỵ so với hút 20 điếu.
Lẽ ra tất cả những con số này chỉ ở khoảng 5% như ung thư phổi. Nhưng thực tế thì chúng đã vượt xa nó, chứng tỏ giảm số lượng thuốc hút không tuyến tính với giảm nguy cơ mắc bệnh.
Giáo sư Hackshaw giải thích: “Vấn đề ở bệnh tim mạch, đó là những ảnh hưởng [từ việc hút thuốc] đến hệ thống mạch máu và tim xảy ra rất nhanh. Bạn chỉ cần hít phải một lượng nhỏ [khói thuốc], những tác hại gây ra đã thực sự lớn”.
Những phát hiện này phù hợp với một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA năm 2017, xem xét khoảng 290.000 người lớn và phát hiện thấy "hút thuốc dù ở mức độ thấp trong suốt cuộc đời cũng liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bao gồm tử vong do ung thư phổi và bệnh tim mạch cao hơn đáng kể những người không bao giờ hút thuốc".
Một thực tế, người hút thuốc thường chỉ quan tâm đến ung thư phổi mà không biết bệnh tim mạch mới là nguyên nhân gây tử vong cao nhất liên quan đến thuốc lá.
Tại Hoa Kỳ, khoảng 370.000 người chết mỗi năm do bệnh tim mạch và 140.000 người chết vì đột quỵ. Từ 15 đến 33% số ca tử vong do bệnh tim mạch là vì hút thuốc lá.
"Mặc dù cắt giảm thuốc lá có lợi ích rõ ràng, đặc biệt đối với nguy cơ ung thư, nhưng với bệnh tim mạch nguy cơ này không giảm mạnh như những người hút thuốc có thể mong đợi”, các nhà nghiên cứu viết.
"Chúng tôi nhận thấy, rõ rằng không có mức độ hút thuốc an toàn nào tồn tại đối với bệnh tim mạch ... Người hút thuốc cần phải bỏ thuốc hoàn toàn, thay vì cắt giảm nếu họ muốn tránh hầu hết các nguy cơ liên quan đến bệnh tim và đột quỵ, hai rối loạn thông thường và phổ biến gây ra bởi thuốc lá".
Theo GenK