Tại Hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023, ngày 25/5, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã đưa ra nhiều cảnh báo về tác hại thuốc lá.
PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, ông đã chứng kiến rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc. Thuốc lá cũng là tác nhân gây ra ung thư phổi, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Giáp chia sẻ, có trường hợp tổn thương phổi cấp chỉ sau vài hơi thuốc, có trường hợp hút xong liệt tứ chi và sống cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở vì thuốc lá.
Đặc biệt, bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính phải kiêng thuốc lá hoàn toàn. Tuy nhiên, sau đợt điều trị người bệnh không bỏ thuốc lá và lại tiếp tục cấp cứu.
Chia sẻ về các biện pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm Hô hấp, cho rằng cần coi hút thuốc lá là bệnh lý chứ không phải chỉ là thói quen. Hút thuốc lá gây nghiện và khó cai.
Đặc biệt, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh tệ nạn xã hội, khi có thêm ma túy, chất gây nghiện. Đồng thời, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.
Theo Bộ Y tế, hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs), vì vậy chúng chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.
Phó giáo sư Giáp cho rằng chúng ta cần đặt ra nhiều giải pháp về giảm tác hại thuốc lá cũng như công tác khám sàng lọc trong các bệnh lý liên quan tới thuốc lá. Ví dụ, người bệnh hút thuốc lá 20 năm, bác sĩ cần tầm soát như thế nào để phát hiện bệnh sớm, nâng cao sức khỏe của cộng đồng.