Giáng Hương (nguyên tác: Sân khấu về khuya, tác giả: NSND Năm Châu) xoay quanh cặp vợ chồng ông bầu Lĩnh Nam (Thành Lộc) và cô đào số 1 Giáng Hương (Lê Khánh) luôn được dư luận ngưỡng mộ.
Khi làn sóng tân thời lan khắp Sài Gòn, Lĩnh Nam và Giáng Hương nảy sinh mâu thuẫn quan điểm nghề nghiệp gay gắt. Cộng thêm sự xuất hiện của người đàn bà gợi cảm, giàu có Mỹ Tiên (Vân Trang), anh rời khỏi sân khấu từng cùng vợ cũ lèo lái suốt 20 năm.
Chồng bỏ đi khiến Giáng Hương suy sụp thời gian dài, sau đó gắng gượng vực dậy bản thân, tự gây dựng lại thánh đường nghệ thuật.
Đàn bà và sân khấu
Trong nguyên tác, ông Năm Châu viết kịch bản Sân khấu về khuya từ bối cảnh xã hội bấy giờ: sự du nhập ồ ạt của văn hóa phương Tây khiến cải lương lai căng, cổ xúy những thứ đi ngược với giá trị truyền thống.
Tác phẩm bắt đầu bằng cuộc tranh luận giữa Lĩnh Nam muốn dựng vở Nữ hoàng hộp đêm nóng bỏng, gợi dục và câu khách còn Giáng Hương muốn dựng vở Huyền Trân công chúa tôn vinh lịch sử cùng phẩm chất cao đẹp của phụ nữ.
Nghệ sĩ Thành Lộc khéo léo mượn hôn nhân nói nghệ thuật và dùng nghệ thuật mô tả hôn nhân.
Mối quan hệ phức tạp giữa Lĩnh Nam, Giáng Hương và Mỹ Tiên không thuần túy là chuyện hôn nhân gia đình, đàn ông - đàn bà.
Mỹ Tiên không chỉ là người đàn bà trẻ đẹp, giàu có mà còn biểu tượng cho văn hóa tân thời và dòng nghệ thuật lai căng, biến chất; đối lập với Giáng Hương đại diện văn hóa truyền thống và nghệ thuật thuần chất.
Cuối cùng, Lĩnh Nam chọn Mỹ Tiên, cùng thành lập sân khấu mới và dấn thân vào con đường nghệ thuật mới.
Sự tự phản bội của Lĩnh Nam thể hiện qua các câu thoại của Giáng Hương: "Có một chéo lòng của anh Nam mà chị luôn nắm giữ, đó là sân khấu. Không một người đàn bà nào có thể giành anh Nam từ tay chị" hay "Cậu yêu cái này được sao? Nhìn kỹ lại, cái này là tiêu biểu cho những gì cậu ghét nhất ở một người đàn bà. Và làm sao cậu có thể nhét người này vào trái tim cậu được khi nó có một sân khấu đang nằm trong ấy?".
Lĩnh Nam vốn là kép hát tài danh, từng dạy nghề cho Giáng Hương. Quan điểm nghệ thuật của anh 20 năm trước dần thay đổi khi trở thành đạo diễn, ông bầu. Là người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự tồn vong của đoàn hát, không khó lý giải việc anh chọn chạy theo thị hiếu.
Ngược lại, thông qua nghệ thuật, Lĩnh Nam tỏ rõ suy nghĩ về hôn nhân. Ngoài vấn đề thị hiếu hay thông điệp, anh từ chối dựng vở Huyền Trân công chúa vì Giáng Hương không đủ trẻ đẹp, mảnh mai và trong sáng như xưa. Trong mắt anh, cô chỉ còn là cô đào sắp hết thời, người đàn bà quá xuân thì và người vợ luôn chực buông lời đay nghiến, chì chiết chồng.
Tuyên ngôn nghệ thuật của Lĩnh Nam hay Thành Lộc?
Khi công bố chọn vở Giáng Hương khai trương Sân khấu kịch Thiên Đăng, Thành Lộc nói muốn tôn vinh, tri ân bậc tiền nhân trong lĩnh vực sân khấu, xem tôn chỉ nghệ thuật của họ là ngọn đèn soi sáng cho hậu bối.
Trong vở nhạc kịch dài 4 tiếng, các nhân vật đưa ra nhiều tuyên ngôn, quan điểm và suy nghĩ của mình về sân khấu và nghệ thuật.
Cuộc tranh luận của Lĩnh Nam và Giáng Hương bị đẩy lên đỉnh điểm khi cô đào số 1 nói mọi thứ anh có đều nhờ công chúng nên có trách nhiệm làm hài lòng họ.
Lúc này, Lĩnh Nam nói: "Tôi bạc bẽo, vô ơn? Không, tôi đã và đang làm việc hằng ngày như con tằm rút ruột nhả tơ. Công chúng tạo ra tôi? Sai, cha mẹ tạo ra tôi chứ. Công chúng cho tôi cái tên? Trật, chính tôi tạo ra cái tên Lĩnh Nam bằng tài năng của mình.
Công chúng công nhận, hưởng thụ và gìn giữ cái tên Lĩnh Nam, Giáng Hương tồn tại đến giờ, đó là sòng phẳng. Công chúng cho tôi chén cơm, cái áo, nhà lầu xe hơi? Đúng, nhưng chưa chính xác. Đó là mồ hôi, công sức, sự nỗ lực của tôi tạo ra tác phẩm. Nếu chúng ta hay, công chúng sẽ ủng hộ; nếu chúng ta dở, họ sẽ quay lưng.
Nghệ sĩ không phải những kẻ ăn bám xã hội, không sống nhờ sự tương trợ, lòng bác ái của nhân gian. Chúng ta làm việc bằng khối óc, con tim và sức lực".
"Nghệ sĩ và công chúng đều sống chung cõi đời. Chúng ta chịu ơn và trả ơn lẫn nhau chứ không ai ban phát cho ai cả", nhân vật này nêu bật tuyên ngôn nghệ thuật.
Khi diễn vở Huyền Trân công chúa, Giáng Hương cũng thể hiện rõ quan điểm về nghề thông qua lời chỉ bảo cô đào non trẻ Liễu Mỹ Huệ: "Nghệ thuật phải thật và đẹp".
Tác phẩm chỉ ra đoạn trường, vinh hoa của đời nghệ sĩ. Nhân vật Giáng Hương quá đau đớn khi người đầu ấp tay gối bỏ đi đến ngã sõng soài trên sàn vẫn không quên nhờ người giúp việc chụp lại tư thế 'phòng khi sau này có lớp diễn cần tham khảo'.
Khi khán giả nghĩ nhân vật này hóa điên, câu trả lời xuất hiện ngay ở lời thoại của Giáng Kiều (con gái của Giáng Hương): "Nghệ sĩ như má lúc nào cũng hơn người ta. Má té cũng chọn cho mình dáng nằm đẹp nhất để khán giả thưởng thức, lúc nào má cũng muốn thu phục khán giả. Vì vậy, con không muốn an ủi, chỉ muốn vỗ tay cho má thôi".
Nghệ sĩ hạnh phúc hơn người thường vì trong bi kịch vẫn đẹp và luôn có những vai diễn để trút hết cảm xúc trong lòng; nhưng cũng bất hạnh vì quá cô đơn, không ai thấu hiểu.
Hình ảnh sân khấu về khuya vắng vẻ, ảm đạm được so sánh với khuôn mặt nhếch nhác, nhợt nhạt của người nghệ sĩ sau khi lau phấn son gây xúc động người xem.
Phong cách kịch thể nghiệm đặc sắc
Vở Giáng Hương gợi nhớ thời cái tên Thành Lộc mới nổi tiếng với dòng kịch thể nghiệm tại Sân khấu kịch 5B thập niên 1990.
Cảnh trí, thiết kế sân khấu có tính ước lệ cao; trang phục, tạo hình nhân vật phân biệt rạch ròi tính cách, loại vai.
Đơn cử, nhân vật Mỹ Tiên của Vân Trang lần đầu xuất hiện với áo dài được thiết kế giống hệt trang phục của Giáng Hương từng diện khi nhận giải Thần tượng năm 1957 nhưng dệt bằng vải đen chứa đựng nhiều hàm ý. Sau khi lộ bản chất, cô luôn diện đồ Âu, hàng hiệu, đối lập với Giáng Hương thường mặc áo bà ba, quần lụa hoặc trang phục biểu diễn.
Dàn diễn viên chứng tỏ thực lực qua tác phẩm khó. Sau thời gian dài không xuất hiện, Lê Khánh tỏa sáng với vai Giáng Hương. Cô thể hiện trôi chảy phần lời thoại nhiều, dài và khó; không dưới cơ khi diễn cặp Thành Lộc.
Ánh sáng giúp tăng hiệu quả lớp diễn, đẩy cảm xúc người xem.
Các diễn viên dồn tâm huyết không kể vai lớn, nhỏ. NSƯT Hữu Châu đảm nhận vai phụ Ba Hoài vẫn lấy nước mắt khán giả chỉ với 1 phân cảnh vực dậy tinh thần của Giáng Hương.
Vở nhạc kịch còn lôi cuốn bởi phong vị Sài Gòn xưa đậm đà trong lời thoại, cảnh trí, cách trang điểm đến chiếc áo dài cúp ngực nhọn, chít eo.
Ánh sáng cũng là điểm đáng khen của tác phẩm. Thành Lộc - chịu ảnh hưởng mạnh bởi nghệ sĩ Ea Sola Thủy - ứng dụng ánh sáng thông minh, khéo léo. Đặc biệt, cảnh Lĩnh Nam tranh luận với Giáng Hương gây ấn tượng khi sân khấu sập tối đột ngột, ánh đèn rọi theo bước chân 2 nhân vật đang bước nhanh vào bàn gây hiệu ứng thị giác và đẩy mạnh cảm xúc người xem.
Bằng khả năng đạo diễn tài tình, Thành Lộc khiến vở nhạc kịch Giáng Hương dài 4 tiếng không lê thê, thừa thãi hay gây mệt mỏi. Tác phẩm nêu bật tôn chỉ nghệ thuật của anh và sân khấu mới thành lập, đồng thời khẳng định xứng danh 'Phù thủy sân khấu'.