Những ý kiến trái chiều về chọn phương thức nông nghiệp hữu cơ, canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng các giống biến đổi gen hay cho phép tồn tại đồng thời các mô hình trên... vẫn đang sôi nổi trên các diễn đàn nông nghiệp. Trong khi đó, dân số thế giới ngày càng gia tăng, áp lực về lương thực, thực phẩm cũng nhiều gấp bội.
Ngô biến đổi gen: Năng suất cao, giá giống cũng cao
Sản xuất đủ ăn và sản xuất an toàn
Nông nghiêp hữu cơ (NNHC) và sử dụng cây trồng biến đổi gen là hai chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nông dân và cả người tiêu dùng. Trên thực tế, các sản phẩm nông nghiệp khác nhau phục vụ một phân khúc thị trường, nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Các phương thức canh tác này cũng đã được chứng minh là có thể tồn tại song song trên một cánh đồng.
Năm 2010, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Research Council) đã phát hành đánh giá tổng quát toàn diện đầu tiên về tác động tích cực của công nghệ biến đổi gen (BĐG) mang lại trong cải tiến nông nghiệp. Báo cáo đưa ra danh sách các lợi ích, trong đó bao gồm khả năng giúp nông dân giảm bớt lượng thuốc trừ sâu và các chất hoá học có hại trong canh tác.
Năm 2017, các kết luận này được nhắc lại trong một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ 147 báo cáo khoa học trước đó của 2 giáo sư hàng đầu ở Đức và được xuất bản trên PLOS ONE: Báo cáo Phân tích khoa học tổng hợp về Tác động của Cây trồng BĐG.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ luôn bị áp lực rất lớn về sâu bệnh |
Theo nghiên cứu này, cây trồng từ hạt giống BĐG giúp giảm 37% lượng thuốc trừ sâu sử dụng, gia tăng năng suất thêm 22%, đồng thời tăng lợi nhuận cho người nông dân thêm 68%, trong đó, một phần nhờ chi phí sản xuất giảm.
Ngày nay, gần như toàn bộ ngô, đậu nành và bông là cây BĐG và các kỹ thuật này được đánh giá là phương thức hứa hẹn nhất đảm bảo nuôi sống dân số thế giới đang tăng trưởng.
Còn theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hiệp quốc (FAO), NNHC là một hệ thống quản lý sản xuất tích hợp giúp tăng cường sức khỏe hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó gồm có đa dạng sinh học, chu kỳ sinh học và hoạt tính sinh học của đất.
Về mặt kinh tế, NNHC tạo ra 30% việc làm ở khu vực nông thôn và lao động đạt được lợi nhuận cao hơn trên mỗi đơn vị đầu vào lao động. Tuy nhiên, sản lượng nông sản hữu cơ thấp hơn 20% so với các hệ thống đầu vào cao ở các nước phát triển nhưng cũng có thể giảm hơn đến 180% ở những vùng khô cằn và bán khô cằn.
Chi phí vận hành (bao gồm chi phí hạt giống, công lao động, sửa chữa,... ) đối với hệ thống sản xuất hữu cơ thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 50-60% đối với ngũ cốc và đậu, 20-25% đối với bò sữa và 10-20% đối với sản phẩm làm vườn. Tuy nhiên, tổng chi phí giá thành NNHC chỉ thấp hơn một chút so với thông thường, vì chi phí cố định như đất, công trình sơ chế, máy móc, chứng nhận hữu cơ... tăng cao hơn.
Michelle Miller - một nhà văn, diễn giả và cũng là một nông dân hữu cơ tại bang Iowa (Mỹ) cho rằng, dù là sản xuất thông thường hay NNHC, nông dân hằng ngày phải chiến đấu với 30.000 loài cỏ dại và 10.000 loại sâu bệnh.
Áp lực sâu bệnh khiến trung bình một vườn táo hữu cơ phải phun thuốc nhiều hơn 32 lần trong mùa sinh trưởng. Điều này có nghĩa rằng không hẳn cứ là thực phẩm được dán nhãn hữu cơ thì không tiếp xúc với thuốc BVTV.
Một vài loại thuốc trừ nấm được phép dùng tại cả cánh đồng hữu cơ và truyền thống bằng cách các nhà khoa học sẽ thay đổi, làm mất đi hoạt tính một số thành phần trong thuốc được sử dụng tại cánh đồng hữu cơ.
Trong khi đó, thuốc BVTV sử dụng trên các cánh đồng canh tác truyền thống đều được xem xét và cấp phép bởi các cơ quan quản lý trên toàn cầu nên rau quả đã từng tiếp xúc với thuốc BVTV cũng vẫn an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Nhiều mô hình cùng tồn tại
Câu hỏi đặt ra là liệu việc tồn tại song song có hiệu quả về mặt khoa học không? Câu trả lời làcó, rất nhiều nhà khoa học đã khẳng định điều này, thậm chí bao gồm những nhà khoa học ủng hộ BĐG và các nhà hoạt động ủng hộ sản xuất hữu cơ.
Bruce Chassy, giáo sư danh dự về khoa học thực phẩm tại trường đại học Illinois, đồng thời là một nhà phê bình làn sóng chống BĐG nhận xét:Không có lý do nào cho thấy 2 phương thức này không thể tồn tại song song khi canh tác một số loại cây trồng. Kiểm soát cỏ dại là ứng dụng hàng đầu của công nghệ sinh học.
Ngô biến đổi gen đem lại năng suất ổn định cho người nông dân |
Trong một thế giới ôn hoà, những người nông dân hữu cơ có thể sử dụng cây trồng BĐG chống chịu được thuốc trừ sâu và glyphosate. Do cây trồng BĐG không cần dùng thêm chất hoá học nào, quyết định của người nông dân chỉ còn là lựa chọn một loại hạt giống, mà không cần dựa vào danh sách những việc được làm và không được làm trong canh tác hữu cơ.
Còn theo Pamela Ronald, nhà di truyền học thực vật tại Đại học California (Davis) cùng Raoul Adamchak, chồng cô và cũng là một người nông dân hữu cơ, tin rằng nông nghiệp bền vững thực sự, có thể nuôi sống thế giới 9 tỷ người, chỉ có thể có được từ việc kết hợp kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ và công nghệ sinh học hay canh tác truyền thống.
Một mặt, canh tác hữu cơ giúp tăng cường độ màu mỡ của đất và đa dạng cây trồng, sử dụng nước và đất hiệu quả, cũng như giảm việc sử dụng hoá chất độc hại. Mặt khác, kỹ thuật công nghệ sinh học giúp đưa vào các tính trạng cho phép cây trồng sử dụng ít nước hơn, có thể tự kháng sâu bệnh mà không cần cày xới đất gây thất thoát carbon.
Tại Việt Nam, TS Vũ Trọng Khải - Chuyên gia độc lập về Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nền nông nghiệp hóa học hóa đã đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu lương thực và xuất khẩu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta hiện tồn tại nhiều sản phẩm không an toàn cho người sử dụng, đồng thời, nền nông nghiệp hóa học hóa góp phần trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường sinh thái ở một số vùng…
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang tổ chức thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo VietGAP hay GlobalGAP và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, dựa trên sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nhưng dù có thực hiện phổ biến GlobalGAP, nền nông nghiệp vẫn được phép sử dụng hóa chất theo những tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Trong khi đó, nền nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn không sử dụng hóa chất chỉ còn tồn tại ở một số khu rừng nguyên sinh, trên các mảnh đất nông nghiệp sản xuất tự cấp, tự túc ở các vùng của cư dân thuộc các sắc tộc ít người, với kỹ thuật canh tác thô sơ.
“Dù thế nào đi nữa, đối với một nước có mức bình quân đất nông nghiệp trên đầu người quá thấp như Việt Nam, việc gia tăng doanh số và thu nhập tính trên 1ha đất nông nghiệp và 1 người lao động nông nghiệp phải là mục tiêu hiệu quả kinh tế trong quan trọng nhất chứ không phải là hiệu quả kinh tế tính theo đồng vốn đầu tư như ở các nước có nhiều đất nông nghiệp”, TS Vũ Trọng Khải nhận định.
Phương Thảo - Thu Trà - Văn Chuyên