Tập trung phổ biến về tắt sóng 2G qua 3 kênh truyền thông cơ sở
Theo lộ trình đã được Bộ TT&TT công bố, hệ thống công nghệ di động 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao dùng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G - 2G Only từ ngày 16/9/2024. Hệ thống 2G sẽ ngừng hoạt động từ ngày 15/9/2026.
Bộ TT&TT nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông để các đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động của chủ trương dừng công nghệ 2G, đặc biệt là những người dùng điện thoại 2G Only. Theo phân tích của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), khi được cung cấp đầy đủ thông tin, hiểu rõ ý nghĩa của việc chuyển đổi từ 2G lên 4G, người dùng sẽ đồng thuận, không còn băn khoăn khi thực hiện chuyển đổi.
Cục Viễn thông được lãnh đạo Bộ TT&TT giao phối hợp với Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xây dựng nội dung truyền thông trên các phương tiện thông tin công cộng để người sử dụng, tổ chức, cá nhân có liên quan nắm được thông tin về chủ trương và kế hoạch dừng công nghệ 2G, chủ động chuyển đổi thiết bị đầu cuối. Cục Viễn thông cũng có trách nhiệm phối hợp với Cục Thông tin cơ sở để đề xuất việc tổ chức truyền thông về tắt sóng 2G tới người dân vùng sâu, vùng xa.
Trao đổi tại Tọa đàm chủ đề ‘Tắt sóng 2G người dân cần chuẩn bị gì?’ được báo VietNamNet và Cục Viễn thông tổ chức ngày 18/7, ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ chủ trương dừng công nghệ 2G, Cục Thông tin cơ sở đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT để có kế hoạch thực hiện tốt việc truyền thông trực tiếp đến người dân.
Theo kế hoạch, ngay trong tháng 7/2024, Cục Thông tin cơ sở sẽ phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn.
Cụ thể, Cục Thông tin cơ sở sẽ gửi các tài liệu tuyên truyền về tắt sóng 2G tới hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và cả lực lượng tuyên truyền viên cơ sở.
“Theo số liệu thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 220.000 tuyên truyền viên cơ sở. Đây là lực lượng giúp truyền tải nhanh và hiệu quả các thông tin trực tiếp đến người dân. Lực lượng này cũng sẽ được huy động vào công tác truyền thông chủ trương tắt sóng công nghệ cũ 2G”, ông Ngô Thanh Hiển cho hay.
Cũng theo ông Ngô Thanh Hiển, bên cạnh 2 kênh truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và lực lượng tuyên truyền viên cơ sở, trong tháng 7, Cục Thông tin cơ sở cũng sẽ tập trung để tuyên truyền về lộ trình, sự cần thiết của việc dừng công nghệ 2G, thông qua mạng lưới Zalo OA thông tin cơ sở.
Mạng lưới Zalo OA thông tin cơ sở đang được xây dựng. Hiện tại, đã có hơn 4.000 tài khoản được thiết lập. Mục tiêu Cục Thông tin cơ sở đặt ra đặt ra trong phát triển mạng lưới này là ngay trong năm 2024 sẽ hoàn thành việc thiết lập tài khoản Zalo OA với 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
“Zalo OA cũng là một kênh thông tin cơ sở đưa thông tin trực tiếp đến người dân. Đây cũng là một phương thức truyền thông rất hiệu quả trong tuyên truyền về tắt sóng 2G”, ông Ngô Thanh Hiển nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện Cục Thông tin cơ sở cho biết thêm, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thúc đẩy triển khai các loại hình thông tin tuyên truyền khác nhằm đưa thông tin đến người dân, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công chủ trương dừng công nghệ cũ 2G.
Nhiều địa phương ra quân tuyên truyền lộ trình dừng công nghệ 2G
Liên quan đến công tác truyền thông về dừng công nghệ di động 2G, thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai các chương trình đưa thông tin tới người dân trên địa bàn về chủ trương, kế hoạch dừng công nghệ 2G và thực hiện chuyển đổi máy điện thoại 2G sang điện thoại 4G.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Bùi Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thông tin liên quan đến chủ trương dừng công nghệ di động 2G là một nội dung đang được cơ quan này tập trung tuyên truyền đến người dân qua nhiều kênh, trong đó chủ lực là qua ứng dụng đô thị thông minh Hue-S.
Cụ thể, từ giữa tháng 4 đến nay, trên ứng dụng Hue-S, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tục cập nhật tới người dân trên địa bàn tỉnh thông tin những điều cần biết về tắt sóng 2G, khuyến cáo người dân không mua điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, hỗ trợ của các nhà mạng để người dân chuyển đổi từ sử dụng điện thoại 2G lên 4G...
Với Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, tại thời điểm đầu năm nay, toàn thành phố có khoảng 8.700 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa có máy điện thoại hỗ trợ 4G. Vì thế, từ tháng 3/2024, Sở TT&TT thành phố đã đề nghị các địa phương và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tuyên truyền về định hướng, lộ trình kế hoạch dừng công nghệ 2G; đồng thời, có phương án để không người dân nào bị gián đoạn thông tin liên lạc sau thời điểm tắt sóng 2G.
Gần đây nhất, vào ngày 9/7, Sở TT&TT thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan đến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ cũng cho biết, với các doanh nghiệp viễn thông di động tại Hà Nội, bên cạnh nhiệm vụ phối hợp rà soát các điểm lõm sóng, đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G, Sở TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng tích cực tham gia tuyên truyền về lộ trình dừng công nghệ 2G, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chủ trương dừng công nghệ di động cũ của Thủ tướng Chính phủ, ngành TT&TT.