Ngày 11/5, UBND huyện Nghĩa Hưng thực hiện cưỡng chế di dời đường ống cấp nước sạch của Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân (do Công ty Mai Thanh làm chủ đầu tư) để lấy mặt bằng thi công dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân thuộc 8/10 xã của huyện Nghĩa Hưng đang sử dụng nước sạch sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phương án hoàn trả đường ống chưa được chủ đầu tư (nhà máy nước) chấp thuận. Vụ việc này kéo dài từ năm 2019 đến nay chưa có hồi kết.
Ông Nguyễn Ngọc San (Hội trưởng Hội nông dân xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), cho biết, gần 5 năm qua, các hộ dân trong xã sử dụng ổn định nguồn nước sạch sinh hoạt công ty Mai Thanh làm chủ đầu tư, chất lượng nước đảm bảo.
“Xã thông báo, đường ống nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh sẽ bị cưỡng chế di dời để thực hiện Dự án xây dựng công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Dự án WB6); trước mắt sẽ đấu nối vào một đường ống tạm. Việc cung cấp nước sạch vì vậy có thể bị gián đoạn tạm thời nên người dân cần chuẩn bị các phương án sử dụng thay thế để không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng”.
Theo ông San, bà con rất bất ngờ vì họ là khách hàng của công ty nước sạch. Nếu ngừng cung cấp nước thì công ty phải thông báo với khách hàng chứ không phải chính quyền, bởi người dân ký hợp đồng mua nước sinh hoạt với công ty.
“Nếu Công ty Mai Thanh không cấp nước theo đúng thỏa thuận, chúng tôi sẽ kiện công ty”, ông San lập luận.
Doanh nghiệp gửi tâm thư kêu cứu Bộ GTVT
Xác nhận sự việc, bà Nguyễn Thị Thanh (Giám đốc Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân – Công ty Mai Thanh) cho biết, đây là vấn đề tồn tại từ năm 2019 đến nay và vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết tính đến thời điểm hiện tại.
Lý giải việc không thông báo cắt nước tạm thời đến hàng ngàn hộ dân, bà Thanh lập luận, huyện chưa làm đúng các bước theo quy định của pháp luật về thu hồi đất, kiểm kê và GPMB nên Công ty Mai Thanh vẫn tiến hành cung cấp nước sinh hoạt bình thường cho các hộ dân. Do đó, công ty không ra thông báo về việc ngừng cấp nước.
Năm 2015, tỉnh Nam Định triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có mục tiêu cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Tại huyện Nghĩa Hưng, với đặc thù gần biển, nhiều năm liền hàng vạn hộ dân không có nước sạch, phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn… không đảm bảo chất lượng.
Công ty Mai Thanh do bà Nguyễn Thị Thanh làm Giám đốc đã đứng lên xây dựng phương án, được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận đầu tư Nhà máy nước Phú Mỹ Tân với Công suất là 28.000m3/ngày đêm cấp nước sạch cho các xã trong huyện.
Bà Thanh đã dốc toàn bộ tài sản của cá nhân, gia đình và đi vay vốn với số tiền gần 500 tỉ đồng. Mặc dù dự án thuộc danh mục nhóm lĩnh vực được hưởng ưu đãi, nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào theo chủ trương.
Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2017, hiện đã cấp nước cho 8/10 xã tại huyện Nghĩa Hưng với hàng ngàn hộ dân. Theo kế hoạch, Cty Mai Thanh sẽ tiếp tục mở rộng cấp nước cho các xã còn lại với hơn 100.000 người dân trong toàn huyện.
Khi dự án đang vận hành ổn định, có hiệu quả, năm 2019, Công ty Mai Thanh bất ngờ nhận được thông báo của UBND tỉnh Nam Định; UBND huyện Nghĩa Hưng về việc di dời đường ống nước (tại xã Nghĩa Sơn) để phục vụ cho việc xây dựng Công trình Kênh nối đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án WB6.
Đây là dự án thuộc Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ (dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới - dự án WB6).
Điều đáng nói, khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng không đề cập đến công trình nước sạch của bà Thanh.
Cho đến tháng 6/2021, UBND huyện Nghĩa Hưng mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB.
“UBND huyện Nghĩa Hưng sau đó đã ra quyết định phê duyệt thiết kế đi ngầm để hoàn trả cho nhà máy nước chúng tôi. Phương án này không đúng kỹ thuật, gây khó cho doanh nghiệp nên chúng tôi không đồng tình” – bà Thanh cho biết.
Không thống nhất được phương án đền bù và phương án hoàn trả công trình (đường ống cấp nước sạch), bà Mai Thanh gửi đơn kêu cứu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải – chủ đầu tư dự án GTVT Đồng bằng Bắc Bộ.
Kiên Trung – Vũ Điệp