Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính “một cửa” huyện Giao Thủy. |
Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện và kế hoạch của UBND huyện về cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã đề ra 70 nhiệm vụ cụ thể trên 6 lĩnh vực trọng tâm trong CCHC, phân định rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp, thời hạn, kết quả thực hiện.
Trong đó, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas), cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Niêm yết công khai bộ danh mục thủ tục hành chính được thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính của UBND huyện, xã.
Chủ động rà soát, cập nhật, thống kê các thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ trong bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp huyện.
Tăng cường tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC ở các xã, thị trấn để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong giải quyết thủ tục hành chính và yêu cầu các địa phương đề ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Huyện cũng tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước để kịp thời điều chỉnh những hạn chế còn tồn tại...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn huyện Giao Thủy đã có chuyển biến tích cực. Nổi bật là việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Cụ thể, huyện ưu tiên tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và hình thành các công dân số.
Hiện nay, việc ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh, huyện cũng được triển khai đồng bộ và áp dụng có hiệu quả vào công tác quản lý như: Cổng, trang tin điện tử; Cổng Quản lý văn bản; Cổng Dịch vụ công trực tuyến; Cổng thư điện tử công vụ.
Các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương được thực hiện tốt thông qua phần mềm Quản lý văn bản điều hành có tích hợp hệ thống ký số đã triển khai cho các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn.
100% các loại văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, của tỉnh, huyện (trừ văn bản mật), các thông tin trao đổi, kiểm tra tình hình, tiến độ triển khai, giải quyết công việc được thực hiện qua phần mềm Quản lý văn bản, 100% các văn bản trao đổi trên môi trường mạng được ký số.
Hệ thống phòng họp trực tuyến trên địa bàn huyện đang hoạt động có hiệu quả. Đảm bảo các cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, tỉnh và các địa phương trong huyện luôn thông suốt, phục vụ kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí góp phần hiện đại hóa hành chính.
Cổng thông tin điện tử huyện được nâng cấp, quản trị, cập nhật tin tức thường xuyên thông tin bảo đảm phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo và điều hành của UBND huyện, cung cấp và phổ biến thông tin đầy đủ các chuyên mục thông tin và cập nhật thường xuyên để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, thời gian qua việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VNeID cho người dân được tập trung triển khai quyết liệt. Đến tháng 10-2023, toàn huyện có 80% số công dân có CCCD gắn chíp được kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Cùng với việc hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin huyện Giao Thủy nâng cao chất bộ phận “một cửa”, “một cửa” liên thông nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Trong đó, huyện yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, chấn chỉnh lề lối làm việc và nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Tại bộ phận “một cửa” UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã công khai hòm thư góp ý kiến, đăng tải công khai các thông tin về địa chỉ, email, số điện thoại của cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân.
Huyện cũng tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước để kịp thời điều chỉnh những hạn chế còn tồn tại...
Cùng với đó, UBND huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực, như: lập nhóm Zalo của các phòng chuyên môn, thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp kịp thời, đúng hạn và trước hạn; sử dụng phần mềm Zalo, UltraViewer kết nối với máy tính của tổ chức, cá nhân để hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến; tuyên truyền về thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi công dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa, tạo mã QR Code liên kết đến bộ phận “một cửa”, tiện ích thanh toán trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí.
Nhờ chỉ đạo quyết liệt và áp dụng hiệu quả các giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn huyện Giao Thủy đạt được những kết quả tích cực và có những chuyển biến mạnh mẽ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, ở cấp huyện tiếp nhận 3.884 hồ sơ; đã giải quyết 3.839 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn 3.517 hồ sơ, đúng hạn 322 hồ sơ, không có hồ sơ để quá hạn; thực hiện số hóa 2.670 hồ sơ đạt 68,7%.
Ở cấp xã tiếp nhận 47.219 hồ sơ; đã giải quyết 47.149 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn 35.998 hồ sơ, đúng hạn 11.151 hồ sơ; thực hiện số hóa 46.166 hồ sơ đạt 97,7%.
Năm 2022, kết quả chỉ số CCHC của huyện Giao Thủy đối với 9 lĩnh vực đều được đánh giá cao, tăng lên 1 bậc so với năm 2021, đứng thứ 3/10 trong các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo Văn Trọng (Báo Nam Định)