Đây là kết quả sau 5 tháng nghiên cứu của 2 học sinh, giúp giáo viên giảm được thời gian làm sổ sách.
Kỳ đầu: Hàng loạt trường học ‘ngậm đắng’ vì phải mua phần mềm dính lỗi
Ngày 10/11/2020, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc gửi tờ trình tới UBND huyện xin cấp 540 triệu đồng để mua phần mềm quản lý thư viện thiết bị (TVTB) và trường học cho 34 đơn vị.
Hai ngày sau, UBND huyện lập tức ra quyết định trích 540 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục, bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 cho các trường học.
Cụ thể, huyện Can Lộc đã cấp 30 triệu đồng để triển khai phần mềm quản lý cho Phòng GD-ĐT và 510 triệu đồng cấp cho 34 trường (bao gồm 19 trường tiểu học và 15 trường THCS) để mua phần mềm này.
Cùng ngày, công ty CP Thiết bị và giải pháp phần mềm Việt Nam - QT đã gửi báo giá về cho các trường trực thuộc Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc.
Sau đó, nhân viên thư viện các trường THCS và tiểu học được tập huấn cách sử dụng phần mềm. Mỗi trường đã dùng số tiền được cấp để mua phần mềm quản lý TVTB, giá trị 15 triệu đồng/trường.
Hiện nay, rất nhiều hiệu trưởng, nhân viên thư viện cho rằng phần mềm này dính lỗi, song vẫn chưa được khắc phục để đưa vào sử dụng.
Mặc dù UBND huyện Can Lộc cấp 540 triệu đồng cho Phòng GD-ĐT và các trường mua phần mềm nói trên, các trường phản ánh dính lỗi nhưng bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng Phòng lại cho rằng: “Việc phần mềm lỗi không thấy các trường báo cáo lên Phòng, chỉ có trường THCS Xuân Diệu báo cáo việc có mục trong phần mềm phân cấp thuộc về Phòng nên trường khó sử dụng”.
Bà Hường cũng khẳng định: “Phần mềm này được một công ty ở Hà Nội cấp kinh phí chứ nhà trường và Phòng không phải bỏ bất cứ kinh phí nào. Họ cấp kinh phí trực tiếp về trường, rồi trường làm giấy thanh toán, chứ Phòng không quản lý tài chính”.
“Hồ sơ thì họ làm dưới trường, còn nhà cung ứng trước khi cấp phần mềm vẫn phối hợp với Phòng để tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng. Trong quá trình tập huấn không phải phát hiện ra lỗi, mà yêu cầu bổ sung một số nội dung để tiện sử dụng trong thời điểm đó. Có thể hiện nay Chương trình mới nên có nhiều nhu cầu khác cần bổ sung.
Sắp tới sẽ họp hiệu trưởng để nghe ý kiến của các trường để hướng dẫn, khắc phục. Nhiều lúc năng lực nhân viên hạn chế lại nói phần mềm lỗi”, bà Hường nói thêm.
Lãnh đạo huyện cho rằng “cần làm rõ”
Cán bộ Phòng Tài chính huyện Can Lộc lại khẳng định phần mềm này Phòng GD-ĐT đã gửi tờ trình xin cấp kinh phí và huyện đã cấp 540 triệu đồng để Phòng, và các trường THCS, tiểu học thanh toán.
“Năm 2020, Phòng Giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện để mua sắm thiết bị, UBND huyện căn cứ vào tờ trình tham mưu của Phòng để cấp kinh phí. Phòng Giáo dục là máy chủ nên cấp 30 triệu đồng, các trường 15 triệu”, cán bộ Phòng Tài chính nói.
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo UBND huyện cho biết, qua nắm hồ sơ và Phòng Tài chính báo cáo lại thì UBND huyện đã cấp kinh phí 540 triệu đồng để mua sắm, nhưng không hiểu sao Phòng GD-ĐT báo cáo phần mềm này được một công ty thiết bị ở Hà Nội cho.
“Cô Hường báo cáo được một công ty thiết bị ở Hà Nội cấp, dưới hình thức cho nhưng sau đó trường làm thủ tục thanh toán cho họ để họ hợp thức hồ sơ, chứ không phải trả tiền. Tuy nhiên, nếu công ty cho thì phải thông qua Phòng Tài chính chứ không thể chuyển thẳng về các trường được, phải đúng nguyên tắc.
Bây giờ phải làm rõ ở chỗ tại sao UBND huyện đã cấp kinh phí, Phòng Giáo dục lại nói được công ty thiết bị đó cho. Nếu như thế thì khoản này phải thanh toán 2 lần, chúng tôi sẽ họp, làm rõ việc này”, lãnh đạo UBND huyện Can Lộc khẳng định.
Thiện Lương - Sỹ Thông
Đây là kết quả sau 5 tháng nghiên cứu của 2 học sinh, giúp giáo viên giảm được thời gian làm sổ sách.