Sông Lô là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác của tỉnh Vĩnh Phúc. Xác định giảm nghèo là chương trình trọng tâm lớn với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo, những năm qua công tác này được huyện ưu tiên.
Theo kết quả rà soát tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Sông Lô là 1,44% (giảm 0,94% so với năm 2021); tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 2,39% (giảm 0,46%).
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,84%; hộ cận nghèo còn 2,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/năm.
Để giảm nghèo bền vững, huyện Sông Lô xác định không chỉ từng bước nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đảm bảo bao trùm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở...
Huyện tập trung thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ y tế thông qua trao tặng thẻ BHYT, nỗ lực giảm suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ dưới 16 tuổi; giáo dục; nhà ở, việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho các hộ nghèo, cận nghèo...
Với quan điểm “trao cần câu, không trao con cá”, coi hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm là chìa khoá mở cánh cửa thoát nghèo cho người dân, các đơn vị thường xuyên bám sát địa bàn để nắm rõ hoàn cảnh từng hộ nghèo, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để kịp thời giải quyết nguồn vốn vay ưu đãi.
Để tạo sinh kế, việc làm cho người nghèo, cận nghèo, Sông Lô không hỗ trợ dàn trải, "cào bằng" mà quan tâm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh, cây, con giống phù hợp. Nhờ đó, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững của huyện Sông Lô đã mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn thịt, bò thịt ở xã Quang Yên; mô hình gà thả vườn, nuôi rắn, dê, ong ở xã Đồng Quế, Cao Phong, Bạch Lưu, Hải Lựu; mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trồng hoa, cây cảnh ở xã Đức Bác, Đôn Nhân, Phương Khoan; trồng rừng ở xã Lãng Công…
Điển hình như tại xã Cao Phong, những năm gần đây, thay vì sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu truyền thống, xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
Xã cũng nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử như mô hình trồng chuối với quy mô 39,5ha tại diện tích đất bãi của các thôn dân cư mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng truyền thống khác như ngô, lúa…
Ngoài hỗ trợ vốn ưu đãi, huyện Sông Lô còn linh hoạt triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững như: Tuyên truyền, vận động học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... của huyện triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nghèo như trao tặng cây, con giống, trang thiết bị máy móc, vật tư nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ.
Những năm qua, quan tâm đến người nghèo còn thiếu hụt chiều nhà ở hay thực hiện các công tác an sinh xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”.
Đặc biệt, phong trào ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân được phát động để triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều ngôi nhà kiên cố được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, giúp hộ nghèo có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Trước đó, BHXH huyện Sông Lô đã vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm phát động phong trào tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, người chưa có thẻ BHYT thuộc diện mới thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác…
Nhiều người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xúc động khi cầm tấm thẻ BHYT được trao tặng trên tay, bởi từ nay họ có thể yên tâm khám chữa bệnh mà không lo gánh nặng chi phí.
Năm 2024, huyện Sông Lô tiếp tục tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong công tác giảm nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư để giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.