Từ trước tới nay, các khóa mã hóa dữ liệu đều được lưu trữ tại Mỹ. Điều đó có nghĩa nếu chính phủ Trung Quốc muốn tiếp cận tài khoản iCloud, nước này cần được Mỹ thông qua.
Trong giai đoạn từ 2013 tới 2017, Trung Quốc đã có 176 lần yêu cầu Applecung cấp dữ liệu người dùng iCloud nước này nhưng đều bị khước từ.
Nay thì gió đã đổi chiều. Dưới sức ép của chính phủ Trung Quốc, cộng với tham vọng chiếm lĩnh thị trường béo bở này, Apple đã trở nên ngoan ngoãn hơn.
Apple sẽ mở trung tâm dữ liệu mới tại Trung Quốc, và từ ngày 1/3 tới toàn bộ khóa mã hóa của tài khoản iCloud Trung Quốc sẽ được lưu trữ tại đây.
Trung tâm dữ liệu mới sẽ vận hành chung với Guizhou-Cloud Big Data (GCBD), công ty có quan hệ mật thiết với chính quyền tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Apple sẽ có thêm trung tâm dữ liệu khác đặt tại thành phố Ulanqab, Nội Mông, Trung Quốc.
Lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính phủ và cơ quan luật pháp nước này có thể tiếp cận tin nhắn text, e-mail và các dữ liệu khác của người dùng iCloud nước này.
Apple từng nói rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không được trao cơ chế cửa hậu (backdoor), nhưng với thực tế trên chính phủ nước này chẳng cần tới điều đó. Họ chỉ cần máy chủ iCloud đặt tại Trung Quốc là đủ.
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) khuyến cáo các nhà báo và blogger đang sử dụng tài khoản iCloud Trung Quốc cần thay đổi khu vực địa lý, hoặc đóng tài khoản từ ngày 28/2 nếu không muốn đối mặt với nguy cơ xâm nhập dữ liệu.
Cảnh báo này không phải không có căn cứ. Năm 2005, Shi Tao - một nhà báo Trung Quốc bị kết án 10 năm tù giam vì cáo buộc “tiết lộ bí mật quốc gia cho nước ngoài”.
Shi Tao bị kết án dựa trên căn cứ e-mail được gửi đi từ tài khoản của người này. Chính phủ Trung Quốc có được thông tin nhờ mách nước của Yahoo về e-mail và địa chỉ IP truy ngược tới văn phòng làm việc của Shi Tao.
Theo Zing