Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy rằng các quyết định làm gì với những tài sản bị đóng băng của Nga chỉ thuộc về các nước đang nắm giữ chúng. Bà Gopinath từ chối đưa ra ý kiến về cách sử dụng các tài sản của Nga.
Theo quan chức trên, IMF sẽ đánh giá tác động của bất kỳ quyết định nào được đưa ra đối với các nước thành viên, gồm cả Nga, và kinh tế toàn cầu song sẽ không tham gia vào các quyết định.
Tuy nhiên, bà Gopinath nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bất cứ quyết định nào cũng phải có sự hỗ trợ pháp lý để không gặp rủi ro về sau.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7 đang tìm cách tận dụng tốt nhất tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ cho Ukraine khi cuộc xung đột Ukraine và Nga đang tiến gần tới mốc 2 năm. Hồi tháng 7/2023, Euroclear, cơ quan thanh toán bù trừ chính của Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ đã tích lũy được gần 2 tỷ USD tiền lãi từ các tài sản bị đóng băng của Nga trong nửa đầu năm 2023.
Moscow đã cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine sẽ là bất hợp pháp và dẫn tới nhiều năm kiện tụng.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh của nước này đã cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Nga, Bộ Tài chính Nga và phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga ở phương Tây.
Bà Gopinath lưu ý nền kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn mong đợi nhưng nền kinh tế được thúc đẩy bởi một lượng lớn chuyển giao tài chính liên quan tới xung đột và chuyển giao xã hội cao có thể khiến Nga đối mặt với mức tăng trưởng thấp hơn trong trung hạn.
IMF tháng trước dự báo GDP của Nga sẽ tăng 2,6% vào năm 2024, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự kiến vào tháng 10 và mức tăng trưởng sẽ giảm xuống 1,1% vào năm 2025.