Đó là một ngày tháng Năm nắng đẹp tại California, khi hai người đàn ông gặp nhau tại sân trước ngôi nhà ở Loyola Drive, Los Altos. Nó trông giống bất kỳ cuộc gặp mặt cuối tuần nào khác. Robert Bob Noyce đang cắt cỏ, Gordon Moore xuất hiện và nói về giai đoạn kinh doanh khó khăn. Quyết định của họ vào ngày hôm ấy đã thay đổi hoàn toàn lịch sử bán dẫn.

"Tay bo" huy động 2,5 triệu USD

Thực ra, Bob đã tiếp cận Gordon từ tháng Một với ý định tách khỏi Fairchild Semiconductor – công ty ông đồng sáng lập nhưng bị từ chối. Song, hôm ấy lại khác bởi những vấn đề của Fairchild tiếp tục gia tăng. Gordon cuối cùng gọi cho Noyce và nói ông sẽ tham gia.

1968 là năm khó khăn với công ty của họ và cả nước Mỹ. Fairchild bị cuốn vào cuộc suy thoái bắt nguồn từ một năm trước và đang “chảy máu” tồi tệ. Trong khi đó, Mỹ trải qua các cuộc biểu tình chống chiến tranh, với vụ ám sát Martin Luther King Jr và Robert Kennedy.

{keywords}
 

Fairchild – con thú đau đớn với thương tích đầy mình – đi khắp nơi tìm phương thức cứu chữa. Họ ném những người cũ như Noyce để tuyển về cái tên mới như Les Hogan từ Motorola mà không biết rằng, hành động ấy đã châm ngòi cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Noyce gọi cho Arthur Rock, người từng cùng mình tài trợ để thành lập Fairchild Semiconductor. Theo Rock, Noyce nói: “Chúng ta sẽ đi. Chúng ta cần 2,5 triệu USD để bắt đầu”. “Tôi đáp: “Được, làm thôi. Tôi nghĩ họ có thể làm gì đó… Tôi chưa bao giờ chắc chắn với một khoản đầu tư như vậy trong đời””. 

Như vậy, Intel nhận được tài trợ khi thậm chí chưa có kế hoạch kinh doanh. Rock chỉ đưa ra một thông báo dài trang rưỡi. Vòng gọi vốn thứ hai diễn ra vào cuối tháng 9. Khi đó, một nhà đầu tư muốn được xem kế hoạch, vì vậy Noyce soạn 1 trang nhưng không công bố gì nhiều. Song, nó lại là một điểm đáng chú ý. Giá trị của công ty nằm ở con người - những nhân vật tiên phong trong bán dẫn. Noyce và Moore biết họ muốn làm gì và nhà đầu tư đặt cược vào họ.

Intel thành lập ngày 18/7/1968 với tên gọi ban đầu “NM Electronics” – viết tắt tên Noyce và Moore – nhưng sau đó đổi mua quyền sử dụng tên “Intel” – rút gọn Intergrated Eletronics – của công ty có tên Intelco.

Thời gian đầu, Intel chủ yếu tập trung vào DRAM. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm dần do vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ Nhật Bản. Nhận thấy thị trường tiềm năng với thành công của IBM, công ty chuyển trọng tâm sang bộ vi xử lý. Quyết định này sau đó chứng minh tính đúng đắn khi Intel không chỉ trở thành một doanh nghiệp thành công rực rỡ mà còn là thương hiệu “quốc dân”.

Năm 1971, Intel phát hành cổ phiếu. Cũng trong năm này, công ty giới thiệu bộ nhớ không biến đổi EPROM, là dòng sản phẩm thành công nhất cho tới năm 1985. Bên cạnh đó, do DRAM rẻ và tốn ít năng lượng hơn bộ nhớ lõi, chúng nhanh chóng trở thành linh kiện bộ nhớ tiêu chuẩn trong máy tính toàn thế giới.

Dù vậy, việc làm ăn của Intel không phải lúc nào cũng thuận lợi. Năm 1972, họ quyết định lấn sân thị trường đồng hồ kỹ thuật số khi mua lại Microma. Song, họ không hiểu được khách hàng và phải bán đi năm 1978 với thiệt hại 15 triệu USD. Năm 1974, Intel nắm 82,9% thị phần DRAM toàn cầu nhưng với sự trỗi dậy của đối thủ ngoại, thị phần của hãng giảm còn 1,3% vào năm 1986. Năm ấy, Intel lỗ 173 triệu USD. Năm 1985 và 1986 cũng chứng kiến hàng loạt lao động Intel bị sa thải, nhà máy đóng cửa, giảm lương, nghỉ không lương.

Đường tới đỉnh cao

Bất chấp những khó khăn kể trên, Intel vẫn vượt qua và tiếp tục gặt hái thành công lớn trong lĩnh vực vi xử lý, bo mạch chủ. Thực tế, Intel là một trong số ít công ty từ những ngày đầu điện toán còn sống sót. 

Trong số nhiều bộ vi xử lý mà Intel đã sản xuất, có lẽ quan trọng nhất là 80386, con chip 32 bit giới thiệu năm 1985. Nó là khởi đầu cho cam kết của Intel là làm cho mọi bộ vi xử lý trong tương lai đều tương thích với các bộ vi xử lý đời trước. Tức là, phần mềm hoạt động trên các máy dùng bộ vi xử lý Intel cũ cũng chạy được trên các máy dùng bộ vi xử lý Intel mới.

Dòng sản phẩm Pentium ra đời năm 1993 đã đưa Intel lên đỉnh cao của thị trường bộ vi xử lý. Hiệu suất của dòng Pentium vượt trội so với các đối thủ cùng thời. Kết hợp với kênh phân phối khổng lồ cùng kế hoạch tiếp thị, nhận diện thương hiệu thông minh, Intel đánh chiếm thị phần tốt hơn bất kỳ một công ty nào khác. Có lẽ, một trong những chiến lược quảng cáo dài hơi nhất và thông minh nhất còn đến ngày nay chính là của Intel.

Họ đã dựa vào chất lượng và thương hiệu để bắt tay với tất cả các nhà sản xuất desktop và laptop lớn. Hầu như các con chip máy tính thời đó đều do Intel cung ứng. Nó củng cố thêm hình ảnh của Intel trong mắt người tiêu dùng. Nếu các công ty hàng đầu hợp tác với Intel, chắc chắn sản phẩm của Intel phải có chất lượng tốt. Ngày ấy, nếu mua một desktop hay laptop mới, bạn sẽ nghĩ đến Intel như nhà cung ứng bo mạch chủ và bộ vi xử lý đầu tiên.

Chiến lược kinh doanh của Intel dựa vào việc sản xuất các bộ vi xử lý đời mới có tốc độ nhanh hơn đáng kể đời cũ, nhằm lôi kéo khách hàng nâng cấp máy tính. Một cách để đạt được điều này là sản xuất chip với nhiều bóng bán dẫn hơn trên mỗi thiết bị. Tất nhiên, năng lực kỹ thuật nổi tiếng của Intel không phải là không có rủi ro. Nổi tiếng nhất là lỗi liên quan tới một đoạn trong số 3,1 triệu bóng bán dẫn trên CPU Pentium. Các kỹ sư phát hiện ra vấn đề sau khi sản phẩm được bán ra năm 1993 nhưng giữ im lặng và âm thầm vá lỗi trong các bản cập nhật tiếp theo. Song, nhà toán học Thomas Nicely ở Tây Virginia đã tìm ra. Ban đầu, Grove từ chối yêu cầu thu hồi sản phẩm, chỉ đến khi IBM thông báo sẽ không bán máy tính dùng CPU này, họ mới miễn cưỡng làm và tiêu tốn 475 triệu USD.

Ngay cả tổn thất tài chính đó cũng không ngăn cản được Intel. Sự kết hợp giữa công nghệ Intel với phần mềm Microsoft nghiền nát mọi đối thủ. Đến cuối thế kỷ 20, chip Intel và những hãng như AMD có thể tìm thấy trong hầu hết mọi máy tính, trừ Macintosh của Apple. Apple sử dụng CPU của Motorola từ năm 1984. Craig Barrett, người kế nhiệm Grove làm CEO Intel từ năm 1998, đã làm được điều đó. Năm 2005, Steve Jobs gây sốc cho cả ngành công nghệ khi tuyên bố các máy tính tương lai của hãng sẽ dùng CPU Intel.

Từ đó tới nay, Intel đã kinh qua vài đời CEO và hiện tại người giữ chức vụ này là Patrick Gelsinger. Ông tin rằng 10 năm tuyệt vời đang ở trước mắt công ty do thế giới ngày càng trở nên số hóa, mọi thứ đều cần tới bán dẫn. Dù xếp hạng 40 trong danh sách Fortune 500, Intel đối mặt với thách thức của thời đại mới, đặc biệt từ sức ép của các “đại gia” cả Á lẫn Âu, từ AMD, NVIDIA đến Samsung, TSMC.

Du Lam

Lo ngại ‘chảy máu’ nhân tài, hãng chip Mỹ rút người khỏi Trung Quốc

Lo ngại ‘chảy máu’ nhân tài, hãng chip Mỹ rút người khỏi Trung Quốc

Micron cho biết sẽ đóng cửa trung tâm thiết kế tại Trung Quốc và điều chuyển nhân sự cốt cán sang Mỹ hoặc Ấn Độ.