Mới đây, đại diện SpaceX ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Laurent Tran Dien đã chia sẻ nhiều thông tin về hoạt động của doanh nghiệp này. Đây là công ty do Elon Musk sáng lập. SpaceX cung cấp nhiều dịch vụ về hàng không, vũ trụ, trong đó có dịch vụ Internet vệ tinh Starlink.
Theo ông Laurent Tran Dien, thế hệ mới của Internet sẽ là Internet vệ tinh. Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cho biết SpaceX đang sử dụng hàng nghìn vệ tinh để phủ sóng Internet tốc độ cao tại nhiều nơi trên thế giới.
“Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi phải đối mặt với nhiều thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần,... Trong những tình huống khẩn cấp, kết nối về Internet sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì liên lạc”, ông Laurent Tran Dien nói.
Điểm đặc biệt của dịch vụ Internet vệ tinh Starlink do SpaceX cung cấp là khả năng lắp đặt, triển khai trong thời gian ngắn. Trong khi, dịch vụ này có thể cung cấp Internet ở mọi nơi với độ trễ thấp và tốc độ cao.
“Dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink có thể đáp ứng tốt tại nhiều điều kiện địa hình, thậm chí có thể lắp đặt trên máy bay, tàu đánh cá, ô tô,... Tại những vùng sâu vùng xa, việc kết nối Internet bằng vệ tinh sẽ giúp người dân ở đó được giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn”, đại diện SpaceX chia sẻ về tiềm năng của sản phẩm.
Khi được đặt câu hỏi về kế hoạch triển khai dịch vụ Starlink ở Việt Nam, đại diện SpaceX cho hay: “SpaceX là doanh nghiệp toàn cầu. Khi triển khai dịch vụ ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật của quốc gia đó. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội và mong đợi sẽ được đồng hành cùng thị trường Việt Nam”.
Theo ông Geoff Huston, nhà khoa học trưởng của Trung tâm Thông tin Mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), trên thế giới hiện có khoảng gần 90.000 vệ tinh quỹ đạo thấp.
Một lượng lớn trong số này là các vệ tinh Starlink thế hệ 1 (4.408 vệ tinh) và thế hệ 2 (29.988 vệ tinh) của SpaceX. Bên cạnh đó, OneWeb cũng là một công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh lớn với hơn 7.000 vệ tinh đang hoạt động ngoài quỹ đạo.
Nhà khoa học trưởng của APNIC cho biết, Internet vệ tinh là vấn đề mới, và là chủ đề đang được bàn luận nhiều ở nhiều nơi trên thế giới. Phần lớn trong số các vệ tinh đang hoạt động ở độ cao khoảng 550km tính từ mặt đất. Đây là độ cao mà vệ tinh sẽ có độ bao phủ nhất định để cung cấp dịch vụ. Chất lượng dịch vụ Internet vệ sinh sẽ phụ thuộc nhiều vào độ cao của vệ tinh.
Sở dĩ dịch vụ vệ tinh đang ngày càng phổ biến với giá rẻ hơn nhờ những tiến bộ trong công nghệ tên lửa của SpaceX. Việc tái sử dụng tên lửa đẩy đã giúp chi phí phóng vệ tinh quỹ đạo thấp giảm đi rất nhiều, cỡ khoảng 2.000 USD trên mỗi km.
Đứng từ góc độ một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông và Internet, theo nhà khoa học trưởng của APNIC, dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX hiện có tốc độ tốt và độ trễ ở mức chấp nhận được. Đây là lý do khiến nhiều người bắt đầu chọn sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk đã phổ biến và đi vào hoạt động ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Australia và hầu hết các nước EU. Ở châu Á, SpaceX mới cung cấp dịch vụ Starlink ở Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia, Maldives.
Hồi đầu năm nay, tại buổi tiếp của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm với phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) dẫn đầu, đại diện SpaceX cũng từng khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc tăng cường năng lực kết nối số.
Cục Viễn thông từng cho biết, dịch vụ truy nhập Internet (một loại hình dịch vụ viễn thông) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ truy nhập Internet qua vệ tinh là hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp nước ngoài cho khách hàng sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định, việc cung cấp dịch vụ này sẽ chịu điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông) và cam kết quốc tế (WTO, CPTPP, …).
Để được triển khai tại Việt Nam, Starlink phải có thoả thuận thương mại với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Bên cạnh đó, Starlink cũng có thể thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam (với tỷ lệ tuân thủ quy định của cam kết quốc tế, pháp luật về đầu tư) để đề nghị cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.