
Theo Nikkei, từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, các thương hiệu điện tử lớn nhất thế giới đã yêu cầu đối tác châu Á tăng cường sản xuất và vận chuyển smartphone, laptop, máy chủ sang Mỹ.
Những nỗ lực này càng rốt ráo hơn sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng mới lên các đối tác thương mại.
Vài ngày trước khi thuế mới có hiệu lực cũng là lúc các công ty chạy đua đưa nhiều sản phẩm nhất có thể, đặc biệt là thiết bị giá trên 3.000 USD, sang Mỹ.
Một quan chức tại nhà cung ứng cho Apple, Microsoft, Google tiết lộ khách hàng muốn vận chuyển bằng đường hàng không càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là họ không có đủ linh kiện và nguyên vật liệu. Do đó, họ chỉ có thể giao hàng trong vòng chưa đầy 1 tuần trước ngày bắt đầu áp thuế mới.

Một giám đốc công ty vận tải hàng không quốc tế mô tả nó là cuộc chạy đua với thời gian: ”Tất cả thủ tục thông quan đều phải hoàn thành trước nửa đêm ngày 8/4 theo giờ Mỹ, vì vậy chúng tôi nhận được những yêu cầu khẩn cấp từ châu Á”.
Song song với đó, các hãng còn nhìn sang các thị trường khác không bị ảnh hưởng nhiều từ thuế Mỹ làm trung tâm trung chuyển hoặc tăng cường sản xuất.
Đây chỉ là các giải pháp tình thế. Về lâu dài, các doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ để bán hàng. Theo Nikkei, Lenovo hướng dẫn các nhóm tập trung hơn vào nội địa cũng như các nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các nước châu Âu.
Acer, hãng máy tính lớn thứ 6 thế giới, cũng chuyển hướng ưu tiên các thị trường mới nổi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu. Asus – đứng thứ 5 thế giới về PC – chưa thực hiện thay đổi đột ngột nào trong chiến lược sản xuất.
Công ty cũng yêu cầu nhà cung ứng tạm dừng giao hàng sang Mỹ vì đã tích trữ lượng hàng tồn kho lớn ở đây.
Theo một quan chức công ty cung ứng cho Lenovo, HP, Dell và Asus, do có quá nhiều điều không chắc chắn, rất khó đưa ra quyết định cụ thể. Bất kỳ quyết định nào cũng có thể chỉ tồn tại trong 24, 48 hay 72 giờ trước khi bị điều chỉnh.
Dù vậy, một điều chắc chắn là họ nhận được yêu cầu từ nhiều khách hàng về việc chuyển hướng sang các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Âu.
Giám đốc một nhà cung ứng cho Apple, Google và Microsoft chỉ ra 75-80% thị trường điện tử tiêu dùng nằm ngoài nước Mỹ và các doanh nghiệp sẽ tập trung ở đó. “Ngay cả như Apple, Mỹ cũng không phải 100% thị trường. Chuỗi cung ứng đã xây dựng ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Mexico nhiều năm, những nỗ lực này không hề vô ích. Những mạng lưới đó sẽ có ích cho phần còn lại của thế giới”.

Jack Zhang, trợ lý giáo sư Khoa Khoa học chính trị, Đại học Kansas, cùng chung quan điểm. Theo ông, chuỗi cung ứng thiết lập tại Đông Nam Á hay Ấn Độ không vì thương chiến toàn cầu mà sớm trở nên nhàn rỗi chỉ trong một sớm một chiều.
Còn theo John Mitchell, Chủ tịch kiêm CEO hiệp hội công nghiệp điện tử IPC, việc tạm dừng đầu tư hay tuyển dụng sẽ không xảy ra trên khắp thế giới.
Nikkei nhận định một trong những tác động lớn nhất của thuế quan trong tương lai gần là nhu cầu giảm sút.
Giới phân tích lo ngại thuế quan làm tăng giá bán lẻ các mặt hàng điện tử chủ lực, khiến triển vọng thị trường ảm đạm.
Chẳng hạn, Apple kiếm 40% doanh thu tại Bắc Mỹ nhưng lại sản xuất 80% ở Trung Quốc. Việc chuyển dịch sản xuất iPhone sang Ấn Độ đang diễn ra nhưng chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu người dùng.
Thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên tất cả trung tâm sản xuất phần cứng công nghệ lớn, nhà phân tích Alex Wong của hãng nghiên cứu Bernstein nhận xét. Trong khi đó, chuyên gia Ivan Lam của hãng Counterpoint dự đoán giá cao hơn là không thể tránh khỏi.
Một vấn đề nữa là các công ty lớn sẽ không thể chối bỏ thị trường Mỹ. Theo nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys, các thương hiệu không phải của Mỹ nên tập trung vào thị trường không phải Mỹ, còn các doanh nghiệp như HP, Dell, Apple sẽ cố gắng xin nhượng bộ từ chính phủ ở mức độ nào đó – điều mà những tên tuổi nhỏ hơn khó tiếp cận được.