Theo báo Guardian, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Araghchi mô tả cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Iran và châu Âu tại Geneva cuối tuần trước là “phiên họp cân não” để xem liệu có cách nào thoát khỏi thế bế tắc giữa họ hay không. Ngoại trưởng Iran thừa nhận cảm thấy bi quan về cuộc họp và ông không chắc Tehran có đang đối thoại với đúng bên hay không.
Ông Araghchi tin các quốc gia châu Âu, chủ yếu là Anh, Đức và Pháp, đã chuẩn bị đối đầu sau cuộc họp hội đồng tuần trước của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó một văn bản do châu Âu đệ trình đã được thông qua, chỉ trích Iran không hợp tác với các thanh sát viên Liên Hợp Quốc và đang xây dựng một kho dự trữ uranium không phục vụ mục đích dân sự hòa bình.
Nhà ngoại giao hàng đầu Iran nhấn mạnh, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã thất bại khi không thực hiện được lời hứa sẽ ngăn chặn động thái chỉ trích sau khi quốc gia Hồi giáo đề nghị giới hạn việc làm giàu uranium ở mức tinh khiết 60% cũng như cho phép 4 thanh sát viên hạt nhân đến thăm các cơ sở của mình. Ông nói, Iran sau đó đã "quyết định đưa hàng nghìn máy móc mới, tiên tiến vào hệ thống và hiện đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho chúng” vì áp lực của châu Âu.
Theo ông Araghchi, Iran hiện vẫn tuân thủ phạm vi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tìm kiếm sự hợp tác. “Hiện tại, có một cuộc tranh luận ở Iran rằng có lẽ đó là một chính sách sai lầm. Tại sao? Bởi vì nó chứng minh rằng chúng tôi đã làm bất cứ điều gì họ muốn và khi đến lượt họ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, trên thực tế, họ đã không làm như vậy… Vì vậy, tôi có thể nói với bạn một cách thẳng thắn rằng, ở Iran đang có cuộc tranh luận chủ yếu trong giới tinh hoa và thậm chí cả ở những người dân thường về việc chúng tôi có nên thay đổi học thuyết hạt nhân của mình hay không”, ông Araghchi giải thích.
Ngoại trưởng Iran cảnh báo, nếu các nước châu Âu áp đặt lại các lệnh trừng phạt Tehran tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, động thái sẽ thuyết phục mọi người ở Iran tin họ cần thay đổi chính sách, xóa bỏ mọi bước tiến đạt được sau 10 – 12 năm đàm phán và sau gần 10 năm thực hiện thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Ông lưu ý thêm, chỉ có nhà lãnh đạo tối cao Iran mới có quyền hủy bỏ lệnh cấm sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt này hiện không có chỗ trong các tính toán an ninh của đất nước.