Cuộc tấn công tình nghi do các máy bay chiến đấu của Israel tiến hành ngày 1/4 đã khiến 7 cố vấn quân sự của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bao gồm cả Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ, có mặt ở đại sứ quán tại thủ đô Damascus, Syria lúc đó thiệt mạng.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ trả thù. Bộ trưởng Quốc phòng Israel mới đây khẳng định Tel Aviv đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra với Iran. Trong khi đó, một quan chức Mỹ tiết lộ, Washington cũng đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ các lực lượng Tehran tập kích các lợi ích của Mỹ và Israel trong khu vực.
Một quan chức Mỹ theo dõi sát vấn đề đánh giá, Tehran đang phải đối mặt với câu hỏi hóc búa khi vừa muốn đáp trả, vừa muốn tránh một cuộc xung đột toàn diện. Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nói: “Iran lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì nếu phản ứng, họ có nguy cơ gây ra một cuộc đối đầu không mong muốn. Họ đang cố gắng điều chỉnh hành động của mình theo cách thể hiện rằng họ phản ứng nhanh chóng, nhưng không làm leo thang tình hình. Nhưng nếu Iran không đáp trả trong trường hợp này, họ có thể bị coi là không có khả năng răn đe trong thực tế”.
Ông cho rằng, do mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công vào đại sứ quán ở Damacus, Iran có thể buộc phải trả đũa bằng cách tập kích các lợi ích của Israel thay vì nhằm vào quân đội Mỹ.
Theo giới quan sát, Tehran đang có nhiều lựa chọn nhưng tất cả đều tiềm ẩn các rủi ro. Nhiều nhà phân tích đã đề cập đến khả năng Iran sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để "ăn miếng, trả miếng" Israel. Là một nước đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Trung Đông, Iran thường thể hiện sức mạnh của mình thông qua mạng lưới đồng minh có liên kết về mặt ý thức hệ như chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn, tự xưng là “Trục kháng chiến” gồm Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, tổ chức Hezbollah ở Lebanon, lực lượng Houthi ở Yemen hay các nhóm dân quân người Hồi giáo Shi’ite như Kataib Hezbollah ở Iraq.
Tuy nhiên, Hamas đang vướng vào cuộc xung đột ác liệt với quân đội Israel suốt 6 tháng qua, khiến hơn 33.100 người Palestine thiệt mạng và Dải Gaza rơi vào thảm họa nhân đạo.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành một chiến dịch tập kích các tàu buôn liên quan đến Israel kể từ năm ngoái để bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine ở Gaza. Mặc dù họ cũng cho thấy khả năng phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhắm vào miền nam Israel, nhưng những cuộc tấn công đó không hiệu quả lắm. Hơn nữa, các tàu chiến của Mỹ và châu Âu đã thiết lập một lớp phòng không dày đặc dọc Biển Đỏ và hệ thống phòng thủ tên lửa của Tel Aviv đã có thể hạ gục gần như bất cứ thứ gì lọt qua được vòng vây đó.
Việc sử dụng các nhóm vũ trang thân Tehran ở Iraq và Syria khó khả thi, vì Mỹ từng không kích 2 nước Trung Đông này sau khi các căn cứ quân sự của Washington ở Jordan liên tục bị nhắm bắn hồi năm ngoái. Mỹ chắc chắn sẽ không khoanh tay ngồi yên khi các chiến binh ở Iraq và Syria nhắm mục tiêu vào Israel, nước đồng minh then chốt của Washington trong khu vực.
Trả đũa thông qua Hezbollah là một lựa chọn khác, khi Iran đã dành nhiều thập kỷ để tăng cường kho vũ khí đạn dược, tên lửa (bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình) cũng như UAV cho nhóm vũ trang ở Lebanon. Hezbollah vẫn chưa sử dụng những vũ khí tấn công chính xác tầm xa dù đã tăng cường đọ súng qua biên giới với quân đội Israel kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza tháng 10/2023.
Các nhà phân tích lưu ý, việc mượn tay Hezbollah, nhóm được vũ trang tốt hơn nhiều so với Hamas, để trả đũa Israel cũng có nguy cơ làm trầm trọng hóa căng thẳng ở biên giới Israel - Lebanon, khiến lửa xung đột lan rộng. Cả Iran, Hezbollah và chính phủ Lebanon đều muốn tránh viễn cảnh này.
Trong một bài viết mới đăng tải trên trang Aljazeera, cây bút bình luận Aron Lund lưu ý, Iran có thể trả đũa bằng cách cố gắng tấn công trực tiếp vào các cơ sở ngoại giao của Israel. Tel Aviv đã đề phòng nguy cơ này bằng cách cho đóng cửa 28 đại sứ quán Israel trên khắp thế giới.
Nếu Tehran chọn biện pháp trên, họ có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ song phương với quốc gia có đặt đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Israel có liên quan và những hệ lụy sau đó.
Biện pháp đáp trả cuối cùng được nhắc đến là Iran đẩy nhanh chương trình hạt nhân, vốn đã được tăng cường kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 rút khỏi thỏa thuận quốc tế với Tehran. Song, hai bước đi kịch tính nhất trong biện pháp này - tăng độ tinh khiết của uranium đã được làm giàu lên 90%, đủ để chế tạo bom, hoặc khôi phục chương trình phát triển vũ khí nguyên tử, có thể gây phản tác dụng, trở thành cái cớ để quân Mỹ và Israel ra tay “ngăn chặn”.
Hiện chưa rõ Iran sẽ hành động ra sao tiếp theo, nhưng Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington không tin quốc gia Hồi giáo này sẽ có phản ứng quá mạnh mẽ. Theo ông, "Iran ít quan tâm đến việc dạy cho Israel một bài học hơn việc chứng tỏ cho các đồng minh ở Trung Đông thấy nước này không hề yếu".