Nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân xa bờ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện tập trung vào các tàu sân bay UAV, khi chúng giúp bớt được chi phí lớn cho việc trang bị chiến đấu cơ, cũng như đào tạo phi công.
Chuyên gia hải quân Bryan Clark tại Viện Hudson ở Mỹ nhận định, “tôi nghĩ Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ sử dụng các tàu sân bay này theo cách giống nhau để tấn công binh sĩ, cơ sở trên bờ, và tàu của đối phương ở ven biển”.
Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ muốn TCG Anadolu vận hành như một tàu tấn công đổ bộ trang bị phi đội trực thăng và chiến đấu cơ như tiêm kích tàng hình F-35B của Lockheed Martin. Song việc Mỹ cấm bán F-35B cho Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara phải thay đổi thiết kế, và biến TCG Anadolu trở thành tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chứa trực thăng, UAV, và cả máy bay chiến đấu không người lái (UCAV).
TCG Anadolu có chiều dài 231m, rộng 32m, lượng giãn nước 27.436 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 39km/h, tầm hoạt động khoảng 17.000km, và có thể hoạt động trên biển suốt 50 ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển UAV hải quân Bayraktar TB3 và UCAV Kizilelma để hoạt động trên tàu TCG Anadolu. Ngoài ra, Ankara còn có kế hoạch đóng chiếc tàu thứ 2 lớn hơn TCG Anadolu, và sử dụng nhiều linh kiện nội địa hơn.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Iran cũng đang gấp rút phát triển các tàu chở UAV, nhưng thô sơ hơn nhiều so với tàu TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Business Insider đưa tin, theo một hình ảnh được chụp trong năm nay, Hải quân Iran đã có những bổ sung trên tàu sân bay UAV Shahid Bagheri. Không giống như TCG Anadolu được chế tạo với mục đích mang theo UAV ngay từ đầu, Shahid Bagheri là một tàu container được sửa đổi với sàn đáp được bổ sung để phóng UAV. Ngoài ra, tàu của Iran còn có thể mang theo trực thăng, xuồng tấn công nhanh loại nhỏ.
Hồi tháng 5, một tàu container cũ được sửa để chở UAV của Iran có tên Shahid Mahdavi cũng đã hoàn thành chuyến đi biển thử nghiệm kéo dài 39 ngày ở Ấn Độ Dương. Trong chuyến đi này, con tàu đã di chuyển gần Diego Garcia, nơi đặt căn cứ quan trọng của Mỹ. Còn vào tháng 2, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từng bắn thử tên lửa đạn đạo từ boong tàu Shahid Mahdavi.
Giải pháp giá rẻ
Mặc dù không thể so sánh với các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ, nhưng các tàu như Shahid Bagheri và Shahid Mahdavi của Iran vẫn có thể tạo ra tác động chiến lược.
Giáo sư Shaul Chorev, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách hàng hải tại Trung tâm Kinh tế xanh Israel, từng đưa ra so sánh về các tàu tự chế của Iran với tàu của Hải quân Israel.
“Không như chúng tôi, Iran sử dụng các giải pháp rẻ tiền. Iran dùng tàu buôn, trang bị sàn đáp và biến nó thành tàu sân bay UAV để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Trên thực tế, UAV và cả xuồng không người lái (USV) có thể được bố trí tại các điểm chiến lược để thực hiện nhiệm vụ mà tàu hộ tống Sa'ar 6 của Israel không thể làm được”, ông Chorev cho hay.
Còn theo ông Clark, dù không có sức mạnh và tính linh hoạt như các tàu sân bay đích thực, song các tàu sân bay UAV sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phô trương sức mạnh hải quân "vươn xa ra ngoài khu vực".
Tuy nhiên, ông cho rằng "các tàu này sẽ không thực sự biến Hải quân Iran trở thành lực lượng biển xanh, bởi chúng vẫn thiếu khả năng giám sát trên diện rộng, và nhắm mục tiêu để triển khai UAV chống lại tàu đối phương, cũng như chưa có tàu tiếp tế để giúp các tàu sân bay UAV hoạt động lâu dài trên biển. Trong khi đó, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu những khả năng này, và đã là lực lượng biển xanh”.
Cũng theo ông, không thể phủ nhận các tàu sân bay UAV vẫn đủ hiệu quả giúp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả những tình huống thách thức mà đối thủ trong khu vực tạo ra.