Theo Times of Israel, trong ngày 28/10, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua hai dự luật liên quan tới Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Cụ thể, dự luật đầu tiên cấm UNRWA gửi đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel. Dự luật thứ hai liệt UNRWA vào danh sách "tổ chức khủng bố", tước bỏ mọi quyền miễn trừ pháp lý của nhân viên tổ chức này.

Trong nhiều năm qua, Tel Aviv đã liên tục chỉ trích UNRWA, cáo buộc nhiều nhân viên của tổ chức này cũng là thành viên của Hamas.

Động thái của Israel ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

ISRAELI_ATTACK_HITS_UNRWA_SCHOOL_IN_NUSEIRAT_CAMP.jpg
Một cơ sở tị nạn của UNRWA ở Dải Gaza. Ảnh: Anadolu Agency

Nguồn tin của Times of Israel cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về vấn đề này. Phía Mỹ hy vọng Tel Aviv cân nhắc lại lệnh cấm, bởi động thái này "có thể gây ra thảm họa cho hơn 3 triệu người Palestine".

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về lệnh cấm của Israel, cho rằng động thái này "gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Gaza".

Chính phủ Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Slovenia, đã ra tuyên bố chung lên án động thái của Israel. "UNRWA là cơ quan nhận nhiệm vụ từ đại hội đồng LHQ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ UNRWA thực hiện sứ mệnh nhân đạo", tuyên bố chung nêu rõ.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom nói rằng lệnh cấm của Israel là "không thể chấp nhận được", nhấn mạnh cơ quan này đã là phao cứu sinh cho nhiều người dân Palestine trong 7 thập kỷ qua.