CNN dẫn tuyên bố của IDF cho biết, kể từ khi lệnh ngừng bắn hết hạn lúc 7h giờ địa phương (12h giờ Việt Nam) ngày 1/12, các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân của Israel đã tập kích hơn 200 mục tiêu Hamas ở cả phía bắc và phía nam Dải Gaza. Những mục tiêu này bao gồm "các khu vực gài đầy bom mìn, các đường hầm ngầm, các trạm phóng hỏa lực và trung tâm chỉ huy tác chiến được Hamas chỉ định sử dụng trong các cuộc giao tranh mới”.
Quân đội Israel cũng công bố một bản đồ mới cho thấy Dải Gaza được chia thành hàng trăm quận và “các khu vực sơ tán” phục vụ “giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột”. IDF giải thích, bản đồ mới nhằm giảm thương vong khi họ tiến hành tập kích vào những khu vực dân sự có sự trà trộn của các tay súng Hamas.
Tel Aviv lâu nay cáo buộc nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine đã thâm nhập vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza, bao gồm cả bệnh viện và sân chơi trẻ em, sử dụng những nơi này cho các hoạt động quân sự chống Israel. Hamas đã bác bỏ cáo buộc này.
Liên Hợp Quốc hối thúc khôi phục ngừng bắn nhân đạo
Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp cảnh báo, người dân ở Dải Gaza đang vô cùng hoảng sợ và không còn nơi nào an toàn để đi.
Theo ông Griffiths, tình hình ở Khan Younis, thành phố lớn nhất khu vực Nam Gaza, nơi IDF thả tờ rơi yêu cầu cư dân sơ tán ngay lập tức vì đây là “vùng giao tranh”, đang rất nghiêm trọng. Quan chức này kêu gọi Israel và Hamas khôi phục thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng cứu trợ cũng như bảo vệ dân thường và “cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống” tại Gaza.
Trước đó, lãnh đạo Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) bày tỏ “vô cùng lo ngại” khi không có bất kỳ chuyến hàng viện trợ nhân đạo nào, kể cả nhiên liệu được phép vào Dải Gaza ngày 1/12.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) xác nhận, Israel đã chặn hàng viện trợ vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah “cho đến khi có thông báo mới”. PRCS lưu ý, động thái đã “làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ của cư dân trong khu vực cũng như gia tăng thách thức đối với các tổ chức nhân đạo và cứu trợ”.
Ít nhất 61 nhà báo thiệt mạng
Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) thống kê, ít nhất 61 nhà báo và nhân viên của các cơ quan thông tấn báo chí đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Israel – Hamas bùng phát ngày 7/10. Trong số các nhà báo thiệt mạng có 54 người Palestine, 4 người Israel và 3 người Lebanon.
CPJ mô tả xung đột ở Dải Gaza đã “dẫn tới tháng chết chóc nhất đối các nhà báo kể từ khi CPJ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1992.